- Ông đánh giá thế nào về giá nhà ở Hà Nội dưới tác động của hai làn sóng Covid-19. Liệu giá nhà có giảm từ giờ đến cuối năm hay vẫn sẽ tăng?
Làn sóng Covid 19 lần 1 diễn ra thời điểm đầu năm ít nhiều đã có sự tác động nhất định với bất động sản nhà ở như việc các kế hoạch mở bán, ra hàng của nhiều chủ đầu tư, nhiều sàn phải tạm hoãn lại. Covid tái phát, Chính phủ đã có kinh nghiệm xử lý và đưa ra các giải pháp kiểm soát tình hình tốt hơn. Theo quan sát của tôi, cả hai làn sóng Covid-19 vừa qua chưa có sự tác động quá mạnh về giá bất động sản. Hà Nội với vị thế là trung tâm tài chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, tất yếu chứng kiến sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học, đồng nghĩa nhu cầu nhà ở tăng. Trong khi đó, quỹ đất trung tâm ngày càng eo hẹp, nguồn hàng mới không dồi dào, các hành lang chính sách chưa có biến động đáng kể. Do đó, theo tôi nhận định, bất động sản nhà ở sẽ không có sự sụt giảm về giá với các sản phẩm sơ cấp. Tuy nhiên, liên quan tới giao dịch trên thị trường thứ cấp, giá có giảm so với thời gian trước.
- Như ông vừa nói, giao dịch trên thị trường thứ cấp, giá có giảm so với thời gian trước. Có phải dịch bệnh đã khiến nhiều nhà đầu tư khó khăn, cắt lỗ sản phẩm nhằm thu dòng tiền về?
Ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý Kinh doanh, Bộ phận Kinh doanh Quốc tế, Savills Hà Nội
Hiện nay, do tác động của dịch bệnh nên nhiều nhà đầu tư rơi vào tình cảnh khó khăn. Họ khó khăn không hẳn vì đầu tư bất động sản. Vì ngoài đầu tư bất động sản, họ còn đầu tư nhiều kênh khác như chứng khoán, sản xuất, phân xưởng… Ở những kênh đó, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, có thể họ thua lỗ. Và vì thế họ phải sử dụng đòn bẩy, thanh lý các tài sản khác, trong đó có bất động sản. Giá bất động sản có thể giảm với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính này. Còn nhìn chung, theo tôi, thị trường đang ổn định, người mua không có nhiều sự lựa chọn do nguồn cung hạn hẹp.
- Người mua không có nhiều sự lựa chọn do nguồn cung hạn hẹp. Vậy ông dự đoán khi nào nguồn cung của thị trường sẽ tăng trở lại?
Từ cuối năm 2018, bước qua 2019 và đến nay, cũng là khoảng 2 năm, nguồn cung trên thị trường có dấu hiệu giảm. Sự suy giảm đến từ động thái siết chặt việc cấp phép dự án, từ dịch bệnh và có thể đến từ chính sách vĩ mô của chính phủ. Riêng vấn đề dịch bệnh, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng khi các nút thắt về hành lang pháp lý, chính sách được gỡ, dịch bệnh được kiểm soát thì các chủ đầu tư sẽ mạnh dạn ra hàng. Khi đó, nguồn cung trên thị trường sẽ tăng trở lại.
- Thưa ông, trước đây, giới đầu tư miền Bắc thường Nam tiến để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thế nhưng, trong 1-2 năm gần đây, đã có hiện tượng nhà đầu tư TP.HCM ngược dòng Bắc tiến để tìm kiếm cơ hội sinh lời từ bất động sản. Ông nhận định gì về hiện tượng này?
Khách hàng TP.HCM có sự quan tâm tới bất động sản Hà Nội, đó là điều chắc chắn. Bởi lẽ, cùng phân khúc, cùng khu vực, mức giá của bất động sản tại TP.HCM đang cao hơn so với Hà Nội. Thậm chí, tương đương các tiêu chí, giá bất động sản Hà Nội lại đang rẻ hơn hẳn. Điều ấy có nghĩa là dư địa tăng giá của Hà Nội sẽ tốt hơn so với TP.HCM. Trên thực tế, cả hai thị trường trọng điểm Hà Nội và TP.HCM đều đang hạn hẹp về nguồn cung. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Hà Nội đang có một số dự án chung cư có sức hút không chỉ với khách hàng TP.HCM mà cả với khách hàng nước ngoài. Do đó, tôi không quá ngạc nhiên với một bộ phận nhà đầu tư TP.HCM ra Hà Nội đầu tư.
- Ông cho rằng Hà Nội có một số dự án cao tầng có sức hút với nhà đầu tư. Vậy việc đầu tư phân khúc thấp tầng tại Hà Nội thì sao thưa ông?
Việc đầu tư ở đâu trước hết phụ thuộc vào khả năng tài chính của nhà đầu tư. Nếu khả năng tài chính không có giới hạn thì việc đầu tư sẽ phụ thuộc vào sản phẩm là chính. Đầu tư là kì vọng vào sự tăng giá của sản phẩm. Theo tôi, với phân khúc thấp tầng, nhà đầu tư nên tham khảo các khu vực mới, các địa bàn mới thay vì các khu vực nội đô. Như chúng ta đã biết, quỹ đất ở các quận nội đô rất eo hẹp và gần như đã hết. Do đó, sẽ rất khó để phát triển được các dự án thấp tầng. Và nếu có thì cũng rất đắt và gần như chỉ bán cho người mua để ở. Trong khi những khu vực mới như Long Biên, Hoàng Mai hay Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm lại là những địa bàn nên cân nhắc. Đối với những địa bàn đó, câu chuyện đầu tư cần có sự đính kèm của câu chuyện hạ tầng. Hạ tầng cơ bản là một yếu tố cực kì quan trọng quyết định rất nhiều đến vấn đề tăng giá của bất động sản mình đầu tư.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Thúy An (thực hiện)
>> TTBĐS tháng 8/2020: Thị trường lao đao vì Covid-19 tái phát
>>Covid-19 tái phát, giới đầu tư vào cuộc “bắt đáy” thị trường?