Tuy nhiên văn hóa truyền thống và phong thủy Việt Nam đã có những góc nhìn thoáng và linh hoạt về cổng. Tôn trọng cảnh quan chung quanh, xem lũy tre, mương nước... là những "rào chắn" thiên nhiên hữu hiệu, nếp nhà Việt chỉ làm cổng như một hình ảnh ước lệ để biết bước qua đấy là địa phận một làng, một xóm, một ngôi nhà... chứ không phải để bít bùng, chia cắt không gian, đúng tinh thần hiếu hòa thân thiện vốn có.
Phong thủy Việt cũng xác định con người sống trong mối quan hệ đại vũ trụ - tiểu vũ trụ tương hòa, nhà nhỏ vườn rộng, nên cổng chỉ cần làm sao cho hài hòa với ngôi nhà, thuận tiện khi sử dụng là ổn. Dĩ nhiên, bên cạnh đó, yếu tố phương vị mở cổng cũng rất cần thiết. Khi thiết kế cửa cổng, ngõ vào nhà, cách định vị, chọn phương vị cho cổng tương tự chọn vị chọn hướng cho nhà. Về mặt Bát Trạch là thuận theo cung mệnh, gia chủ thuộc Tây Tứ Mệnh thì mở cổng tương ứng bốn hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Bắc. Gia chủ Đông Tứ Mệnh thì mở cổng thuộc các hướng Bắc, Đông, Đông Nam và Nam. Vị trí cổng mở xét từ bên trong khu đất nhìn ra nên tránh bố trí thẳng với ngã ba, tránh dẫn lối "trực xung" với cửa cái (cửa chính) của nhà bởi "sinh khí đi theo đường vòng, sát khí đi theo đường thẳng".
Thực tế thì tùy theo địa phương, khu đất cụ thể mà cổng nên làm theo kiểu nào để vừa đảm bảo an ninh, chống sự xoi mói từ bên ngoài vào nhà, vừa không khiến ngôi nhà quá tách biệt với môi trường chung quanh, hài hòa thiên nhiên và cảnh quan toàn khu (hình 4).
KTS Hà Anh Tuấn
(Theo TNO)