Tính đến cuối tháng 9/2014, theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên cả nước, tồn kho bất động sản (BĐS) vẫn ở mức cao, khoảng trên 82.000 tỷ đồng. Trong con số này tồn kho nhà liền kề, biệt thự là gần 14.000 căn với hơn 23.000 tỷ đồng. Nếu giải quyết được số BĐS tồn kho này, thu về vài chục nghìn tỷ sẽ kích cầu nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi, số hàng tồn kho cao lại vẫn làm khó người nước ngoài muốn mua nhà, đất? Điều đó sẽ gạt bỏ một lượng lớn khách hàng tiềm năng khỏi thị trường BĐS đang khát vốn khi bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây. Trong khi chúng ta đang vận động nước ngoài công nhận Việt Nam đã thực hiện cơ chế thị trường, nhưng lại không cho công dân nước họ mua nhà ở theo cơ chế thị trường, liệu có hợp lý? Việc này đã làm thị trường BĐS Việt Nam mất đi nguồn cầu lớn từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài, nhất là ở phân khúc BĐS cao cấp.
Luật Nhà ở (sửa đổi) nên mở rộng đối tượng người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam |
Người nước ngoài, doanh nghiệp BĐS Việt Nam đang trông đợi Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với chủ trương “mở", thoáng hơn trong quy định sở hữu nhà của người nước ngoài được thông qua. Nhưng hiện trong dự thảo đã không còn quy định mang tính đột phá là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam.
Trước thực tế này, Hiệp hội BĐS Tp HCM (HoREA) cho rằng, sẽ làm mất tác dụng của chủ trương mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam nếu cứ “siết” các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà.
Trong số người nước ngoài ở Việt Nam hiện nay, số người đang sinh sống, làm việc, học tập chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Các chuyên gia BĐS nhận định, người nước ngoài chủ yếu muốn mua nhà thuộc phân khúc cao cấp, thậm chí giá có thể lên đến 5.000-8.000USD/m2. Dự thảo tiếp tục gạt ra khỏi thị trường BĐS một lượng lớn khách hàng và về lâu dài sẽ làm mất đi cơ hội thúc đẩy thị trường Việt Nam phát triển vượt hẳn lên.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thực tế vẫn “vướng” ở điểm mấu chốt về điều kiện người nước ngoài được mua nhà. Khi được “mở” như ban đầu thay vì “đóng” lại thì toàn bộ chế định về quyền sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài trong dự thảo luật sẽ thật sự thông thoáng và phù hợp với thế giới. Khi xây dựng pháp luật, các Đại biểu nên tính toán, cân nhắc để luật phù hợp với thực tiễn, có tính ổn định cao và mang lại lợi ích cho người dân chứ không nên sửa lại nhiều lần như khá nhiều dự án luật hiện đang xếp hàng chờ Quốc hội thảo luận, thông qua tại các kỳ họp gây lãng phí ngân sách, giảm tính hiệu quả của hệ thống pháp luật. Các Đại biểu nên quy định “đóng ra đóng - mở ra mở” cho người dân được hưởng lợi.