Khách hàng tìm hiểu là chính
Theo số liệu thống kê, cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, trong đó có hơn 2 triệu người sống tại Mỹ. Trong cộng đồng này, những người có nhu cầu mua nhà để đầu tư và để ở khi về hưu tương đối lớn. Nếu xét riêng Sài Gòn đã có khoảng 30 nghìn chuyên gia và nhà quản lý từ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Còn trong cả nước, nhiều nhất là người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc với khoảng 80 nghìn người.
Nhiều chuyên gia khẳng định, từ khi 2 bộ luật liên quan tới thị trường địa ốc có hiệu lực thi hành, tính cạnh tranh trên thị trường bất động sản Việt Nam trở nên gay gắt hơn, qua đó cho thấy sẽ có một cuộc đào thải các doanh nghiệp khả năng hoạt động yếu, thiếu kinh nghiệm, không đủ tiềm lực và thiếu kinh nghiệm. Đó sẽ là một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư ngoại mua lại dự án, liên danh với doanh nghiệp nội địa để phát triển như làn sóng mua bán, sáp nhập đang diễn ra rất mạnh mẽ trong năm 2014.
Đặc biệt, một yếu tố khác có thể tạo đà cho thị trường địa ốc tăng trưởng mạnh trong giai đoạn tới, đó là Chính phủ đã chấp thuận cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà đất dài hạn ở Việt Nam.
Từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Tp.HCM đã chuẩn bị sẵn một nguồn hàng tương đối lớn để đón khách ngoại. Thậm chí, một vài doanh nghiệp còn tuyên bố đã bán nhà thành công cho người nước ngoài với tỷ lệ từ 30-40%. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đa số khách hàng là người nước ngoài chỉ mới tới tham quan, tìm hiểu những sản phẩm nhà ở là chính, nếu có ý định mua nhà thì cũng chỉ nhờ người thân trong nước tiến hành đặc cọc giữ chỗ.
Đơn cử, nghiên cứu của CBRE Việt Nam cho biết, đối với dự án Vinhomes Central Park tới nay mức độ quan tâm của người nước ngoài đã tăng khoảng 30% với 400 người đặt cọc mua căn hộ. Dự án Vista Verde có mức quan tâm ở 30% với khoảng 5% giao dịch thành công. Dự án The Vista vẫn chưa có giao dịch nào của người nước ngoài được thực hiện, trong khi mức quan tâm đã tăng trên 70%.
Năm tới, chưa có chuyển động mạnh từ người nước ngoài mua nhà |
Theo CBRE, kể từ sau khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/7/2015, số lượng người nước ngoài mua nhà ở rất ít. Trong quý III/2015, số lượng người nước ngoài quan tâm tới nhà ở các phân khúc tăng nhẹ, giao dịch thành công chủ yếu chỉ từ những người đã và đang sinh sống ở Việt Nam một thời gian dài.
Thị trường sẽ tiếp tục chuyển động chậm
VinaCapital nhận định, do chính sách này vẫn còn mới nên chưa tạo được sự chuyển biến gì lớn cho thị trường, nhất là còn vướng nhiều thủ tục như cho người nước ngoài thế chấp tài sản, vay tiền mua nhà, giá bán nhà… Trên cơ sở đó, theo VinaCapital, trong 6-12 tháng tới, việc người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam sẽ không xảy ra nhiều như kỳ vọng nếu như những khó khăn này không được tháo gỡ.
Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, chúng ta đừng quá kỳ vọng vào việc người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sẽ ngay lập tức đẩy thị trường bất động sản phát triển. Bởi vì, ba điểm nghẽn lớn là quy định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đối với nội dung này vẫn chưa được ban hành; pháp lý chuyển nhượng nhiêu khê; thủ tục thế chấp, mua nhà, hợp đồng mua nhà rườm rà.
Theo Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực, không phải đợi tới khi có luật cho phép thì người nước ngoài mới mua nhà tại Việt Nam. Trong những năm qua, người nước ngoài hay Việt kiều đều đã có nhà đất với nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, thị trường sẽ không có biến động lớn đối với trường hợp này.
Ông Đực nhận định, sức mua nhà ở của Việt kiều sắp tới sẽ không lớn không lớn. Người nước ngoài cũng khá dè dặt vì bất động sản của chúng ta có khả năng sẽ tiếp tục tăng giá. Đồng thời, người nước ngoài thường cứ vài ba năm lại thay đổi chỗ ở theo nhiệm vụ công việc, trong khi thủ tục mua bán nhà ở tại Việt Nam còn rườm rà nên mức tác động đến thị trường không cao, sức mua cũng chỉ từ 1-2%.
Mới đây, Giám đốc Dự án công ty TNHH Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương khẳng định, theo quan sát, từ đầu năm 2015 tới nay, chưa có một người nước ngoài nào đã mua nhà ở tại Việt Nam được cấp sổ đỏ. Điều đó đã phần nào chứng minh được sự chuyển động khá chậm của nguồn tiền từ bên ngoài vào thị trường bất động sản trong nước.
Ông Khương cho biết, người nước ngoài mua nhà cũng có thể được coi là một dạng xuất khẩu bất động sản tại chỗ nhưng vì còn vướng quá nhiều vấn đề về thủ tục pháp lý nên vẫn chưa tạo được chuyển biến lớn cho thị trường địa ốc như kỳ vọng.