Trong năm 2020, những thương vụ M&A bất động sản nhà ở từ khối ngoại khá hạn chế. Nổi bật gần đây là tập đoàn Mitsubishi và Công ty BĐS Nomura mua 80% cổ phần trong giai đoạn 2 của dự án Grand Park, TP.HCM. Ngoài ra còn có nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi KKR đầu tư 650 triệu USD, tương đương 6% cổ phần vào Vinhomes.
Thay vì những thương vụ vốn ngoại thâu tóm quỹ đất nội, năm 2020 là thời cơ cho nhiều doanh nghiệp nội có tiềm lực mạnh đi săn đất đẹp. Bên cạnh tác động của Covid-19 khiến vốn ngoại "tắc đường", quy trình phê duyệt thủ tục pháp lý chặt chẽ cũng ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp BĐS đều gặp phải khó khăn và làn sóng sang nhượng dự án đang diễn ra khá nhiều. Vắng khối ngoại khiến những ông lớn trong nước đang một mình một ngựa trong cuộc chiến thâu tóm quỹ đất.
Mới đây nhất là thương vụ LDG Group nhận chuyển nhượng dự án nghìn tỷ của Quốc Cường Gia Lai tại quận Thủ Đức với quy mô hơn 28.000m2 để triển khai loạt dự án chung cư cao cấp LDG River có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.153 tỷ đồng.
Hoạt động M&A BĐS năm 2020 đang được nhìn nhận là sân chơi riêng cho các doanh nghiệp nội địa. Ảnh minh họa
Tuy nhiên nổi bật nhất thời gian qua phải kể đến loạt thương vụ thâu tóm đất vàng từ Tập đoàn Danh Khôi. Từ đầu năm 2020 đến nay, Danh Khôi liên tục tiến hành nhiều hoạt động mua lại dự án từ đối tác, nâng số dự án mà tập đoàn này đang sở hữu lên tới hơn 20 dự án tại nhiều tỉnh thành lớn trên cả nước. Cụ thể, mới đây sau khi mua lại 3 dự án đất vàng ở Đà Nẵng và Nha Trang từ tay các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Danh Khôi lại tiếp tục thâu tóm thành công thêm 3 dự án có quy mô lớn khác ở Quy Nhơn và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tại thị trường Bình Định, Danh Khôi công bố mua lại khu căn hộ cao tầng ven biển thành phố Quy Nhơn. Không tiết lộ giá trị thương vụ mua lại dự án này bao nhiêu, song với tổng diện tích gần 85.000m2, bao gồm 17 block căn hộ, Danh Khôi cho biết tổng vốn đầu tư của dự án này ước khoảng 25.000 tỷ đồng. Hiện Tập đoàn đã khởi công xây dựng một số block, đồng thời tiến hành đầu tư các dịch vụ tiện ích nội khu.
Thương vụ M&A thứ 2 vừa được công bố là việc mua đứt dự án Aria Vũng Tàu trên đường 3/2, phường 10, TP. Vũng Tàu từ Công ty CP Xây dựng Châu Á (Cotec Asia). Dự án có quy mô 76.900m2 với 4 block căn hộ du lịch cao 18 đến 30 tầng gồm 1.190 căn hộ và 36 căn biệt thự biển. Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án là 3.000 tỷ đồng.
Thương vụ săn quỹ đất thứ 3 được công bố trong đợt này là quỹ đất khu cao tầng thuộc dự án Barya Citi trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường Long Toàn, TP. Bà Rịa mà Danh Khôi mua lại từ Công ty Đầu tư xây dựng Phú Thịnh. Dự án có tổng diện tích 7.788m2 được quy hoạch bao gồm 02 block, cao 20 tầng với tổng 787 căn hộ. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1.056 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Danh Khôi đã thâu tóm thành công 6 dự án. Điều đáng chú ý là hầu hết các dự án do Danh Khôi mua lại đều có vị trí trung tâm thành phố, thủ phủ du lịch lớn của các tỉnh thành từ miền Nam đến miền Trung.
Các thương vụ M&A được nhìn nhận là bước đi mở đường hồi sinh nhiều quỹ đất vàng đắp chiếu và giải cơn khát nguồn cung nhà ở. Ảnh minh họa
Việc sở hữu những quỹ đất vàng đã mang đến cho Danh Khôi những cái “bắt tay” mang tầm chiến lược với các tên tuổi lớn, nhằm hiện thực hóa tham vọng kiến tạo các khu đô thị đẳng cấp trên cả nước. Đầu tiên, phải kể đến hai đối tác lớn đến từ Nhật Bản là Sanei và G7 Holdings INC. Hai đối tác này đã luôn đồng hành cùng tập đoàn Danh Khôi trong hoạt động điều hành cũng như kinh doanh và phát triển các dự án nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu và sắp tới là chuỗi dự án ở Thuận An (Bình Dương), Đồng Nai và phía Đông TP.HCM.
Không phải ngẫu nhiên mà Danh Khôi chi hàng ngàn tỷ đồng để thu gom quỹ đất giữa lúc thị trường gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, P.TGĐ Tập đoàn Danh Khôi, trước hết M&A là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch, thực hiện các dự án. Thông qua các thương vụ M&A, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng. Phân tích các giai đoạn thị trường cho thấy, những yếu tố để các doanh nghiệp thành công nằm ở các điểm biết nắm bắt được cơ hội M&A, có đội ngũ bán hàng và hệ thống phân phối mạnh, có tiềm lực tài chính và uy tín cao trên thị trường và chọn đúng phân khúc sản phẩm và thị trường.
Theo ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc cấp cao CBRE, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều CĐT khó khăn quyết định bán ra sản phẩm. Với nhóm doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS thì khó khăn của người này là cơ hội rất lớn đối với người khác. Các NĐT có dòng tài chính mạnh xem đây chính là cơ hội để tìm quỹ đất cũng như dự án tiềm năng với giá hời. Về cơ bản khó khăn của thị trường BĐS được nhìn nhận chỉ mang tính ngắn hạn, tiềm năng để phát triển đặc biệt là ở những đô thị lớn còn rất nhiều. Ở nơi “đất chật, người đông”, quỹ đất để phát triển các dự án ngày càng thu hẹp, doanh nghiệp nào nắm giữ được càng nhiều quỹ đất lớn sẽ là “vua” và có càng có nhiều cơ hội để chiếm ưu thế phát triển hơn trên đường đua phát triển dự án trong tương lai.
Phương Uyên