Theo ông Theodore Chan, Giám đốc Học viện Kiến trúc sư Singapore (SIA), mặc dù bản thiết kế là biểu hiện rõ ràng nhất của một kiến trúc sư (KTS), nhưng khả năng biến ý tưởng thành sản phẩm cụ thể mới là điều người ta quan tâm. Điều này đòi hỏi không chỉ là kỹ năng thiết kế mà cả năng lực làm việc với người khác và lãnh đạo nhóm, hiểu rõ những vấn đề kỹ thuật góp phần giúp dự án xây dựng đạt hiệu quả cao nhất.
Nét thiết kế độc đáo của khách sạn Park Royal. |
Ông Chan nói thêm: “KTS giỏi là người biết mình cần phải làm gì để đảm bảo tiến độ vận hành trôi chảy và thành công của dự án. Không nhất thiết văn phòng hãng tư vấn kiến trúc lớn hay nhỏ, người KTS phải dành thời gian lĩnh hội toàn diện dự án và bỏ công sức thiết kế theo đòi hỏi đặc thù của khách hàng. Và đây là lý do tại sao khách hàng nên xem xét mức chi phí tương ứng với thời gian KTS bỏ ra cho dự án.
Trong thời đại kỹ thuật số và lối sống hối hả hiện nay, khách hàng có khi không hiểu tầm quan trọng của yếu tố thời gian mà thường bị thu hút bởi những bản vẽ thiết kế công trình “mì ăn liền” với mức phí thấp”. Theo ông Chan, KTS là một nghề kết hợp khoa học và nghệ thuật, vì nó tạo ra môi trường sống gắn liền với tâm sinh lý, cảm xúc và phúc lợi của con người. Nhưng khác với những hình ảnh hào nhoáng quảng cáo trên sách báo, một công trình kiến trúc thành công không thể chỉ được đánh giá bằng những yếu tố thu hút bên ngoài mà còn liên quan đến môi trường và bối cảnh xung quanh nó.
Nghề kiến trúc mang tính tập thể và đòi hỏi tinh thần đồng đội, làm việc theo nhóm rất cao. Thông lệ nghề kiến trúc tại Singapore đòi hỏi KTS phải là người biết chuyển hóa ý tưởng thiết kế thành những thông tin kỹ thuật cho kỹ sư xây dựng và sau đó là chủ sở hữu hay nhà quản lý công trình.
KTS còn phải giữ vai trò giải quyết tranh chấp phát sinh trong nhóm thực hiện dự án, thấu hiểu hợp đồng và những vấn đề pháp lý, các chính sách của nhà nước về an toàn và môi trường xây dựng cũng như những mục tiêu tổng thể vì lợi ích quốc kế dân sinh.
Quy chế nghề nghiệp tại Singapore đòi hỏi KTS phải đảm trách những chức năng, nhiệm vụ và trang bị cho mình những kỹ năng nghề nghiệp như: nắm bắt các đòi hỏi về kỹ thuật và nội dung của khách hàng để đưa ra một bản vẽ sơ bộ; xây dựng và phát triển ý tưởng thiết kế theo đúng mục tiêu ban đầu đề ra; đảm bảo thiết kế tuân thủ các quy định có liên quan của cơ quan chức năng về xây dựng và quy hoạch; lãnh đạo và phối hợp các nhà tư vấn tham gia như kỹ sư, nhà thiết kế nội thất hay KTS về phối cảnh; xây dựng và chuẩn bị tài liệu thiết kế theo yêu cầu để tham gia đấu thầu cùng với công ty xây dựng và phối hợp thực hiện khi trúng thầu; quản lý dự án về mặt ngân sách, tiến độ thi công và thực hiện hợp đồng; và cuối cùng hoàn thành dự án và bàn giao cho khách hàng…
Theo quy định luật pháp Singapore, nhà quản lý dự án, nhà thầu hay thiết kế nào cung cấp các dịch vụ về kiến trúc mà tự cho mình hội đủ những chức năng, nhiệm vụ và kỹ năng vừa nêu thì được xem là lừa dối khách hàng.
Tại Singapore, ai tự gọi mình là KTS phải trải qua quá trình sàng lọc gắt gao: tốt nghiệp 5 năm đại học cùng ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc thực tế trước khi trải qua một cuộc sát hạch nghiêm ngặt gọi là Kiểm tra Thực hành Nghề nghiệp của Cục quản lý KTS (Board of Architects) thuộc Bộ Phát triển Quốc gia.