1. Xác định những đồ dùng cần thiết cho căn phòng
Đầu tiên, bạn nên nhìn tổng quan đồ đạc, vật dụng trong phòng và xem xét, có bao nhiêu đồ được bạn sử dụng thường xuyên và vị trí nào bạn sử dụng nhiều nhất? Căn phòng đó sẽ được sử dụng bao nhiêu lần trong một tuần, một tháng... hay một năm. Hãy xác định rõ mục đích, phòng làm việc đáp ứng nhu cầu gì của bạn, từ đó để có thể sắp xếp đồ đạc theo nhu cầu chính này. Với những đồ đạc không cần thiết thì hãy mang sang phòng chứa đồ hoặc bất cứ phòng nào khác mà bạn thấy hữu dụng hơn.
2. Giữ phòng làm việc luôn gọn gàng, sạch sẽ
Để có được không gian làm việc thoáng mát, bạn nên thường xuyên dọn dẹp và lau chùi đồ đạc trong phòng. Nếu có rác, báo cũ, hàng trăm tạp chí lộn xộn trên ghế hay ở ngăn tủ thì hãy sắp xếp và dọn dẹp sạch sẽ. Một căn phòng được làm sạch góp phần giúp đầu óc của bạn trở nên thoải mái, làm việc sẽ sáng tạo và hiệu quả hơn.
3. Chọn lọc đồ dùng ưu tiên trong phòng
Hãy suy nghĩ kỹ càng xem những vật dụng nào trong phòng được sử dụng thường xuyên. Nếu chiếc ti vi được đặt trong phòng chiếm mất nhiều thời gian vốn dành cho công việc thì tốt nhất là nên mang nó sang nơi khác. Những đồ chơi của trẻ con và bàn chải lông cho cún yêu không nên hiện diện trong phòng làm việc. Một không gian làm việc hợp lý sẽ mang lại hiệu quả hơn bạn mong đợi, bạn sẽ không còn thụ động trước núi công việc nữa.
4. Sắp xếp và tổ chức đồ dùng một cách hợp lý, tiện dụng
Sau khi đã hoàn thành những bước đầu tiên, bạn sẽ cần cân nhắc đến việc tổ chức không gian còn lại trong phòng. Căn phòng nên được phân chia thành không gian nhỏ hơn, và được sắp xếp dựa trên chức năng sử dụng của chúng:
1 - Nơi chứa đồ: Lựa chọn những vật ít sử dụng đến để cho vào tủ chứa đồ hay ngăn kéo, chẳng hạn như báo cũ, tài liệu tham khảo ít đọc...
2 - Quanh ghế ngồi: Chỉ nên chọn những vật dụng cần thiết như bút, máy tính, dập ghim, băng dính, băng đĩa... Những đồ còn lại cho vào ngăn kéo của bàn làm việc để tránh sự lộn xộn, thiếu ngăn nắp.
3 – Góc thư giãn: Đó là có thể là một chiếc kệ đặt những cuốn sách, tạp chí xếp theo nhóm gọn gàng trên giá sách để có thể nhìn thấy ngay khi cần dùng đến, một vài đĩa nhạc yêu thích và một vài đồ vật trang trí khác để bạn có thể ngắm nhìn những khi làm việc quá căng thẳng và cần thư giãn.
Trang trí bàn làm việc bằng một bức ảnh hay vật lưu niệm để tạo phong cách cá nhân cho căn phòng của bạn.
5. Tạo ánh sáng hợp lý cho phòng làm việc
Nếu góc làm việc của bạn quá tối, hãy mở cửa sổ hoặc lắp thêm các thiết bị ánh sáng góp phần làm sáng hơn không gian phòng. Nên chú ý đến sự hài hòa giữa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Với ánh sáng tự nhiên, bạn có thể tận dụng ánh sáng từ cửa sổ vào phòng. Để chủ động trong việc điều tiết ánh sáng hợp lý, bạn nên sử dụng một chiếc rèm kéo để thuận tiện khi sử dụng. Bên cạnh đó, phòng làm việc cũng cần có ánh sáng từ đèn trần để chiếu tổng thể căn phòng và thêm 1 đèn bàn nếu bạn muốn tạo sự tập trung trong công việc. Tùy thuộc vào thời gian làm việc để bạn xử lý ánh sáng cho thật hợp lý.
Hoàn thành việc sắp xếp đồ đạc, phòng làm việc của bạn chắc chắn sẽ trở nên thoải mái và thoáng mát hơn. Khi đó, làm việc sẽ đạt hiệu quả cao với không gian sạch sẽ, ngăn nắp. Không phải lúc nào công việc cũng thú vị nhưng ít ra bạn cũng có thể tạo nên một phòng làm việc thú vị để có thể khơi nguồn cảm hứng và đạt hiệu quả cao trong công việc.