1. Mỗi phòng chỉ có một hệ thống đèn
Tại những phòng chính như phòng khách, phòng ngủ, bếp, một hệ chiếu sáng là không đủ và khá bất tiện khi sử dụng. Tại mỗi khu vực, tùy nhu cầu sử dụng, gia chủ nên lắp đặt những nguồn sáng phù hợp. Chẳng hạn, tại phòng bếp, bạn cần lắp đèn ở khu vực nấu nướng, rửa bát và đèn trần để tỏa ánh sáng chung.
2. Bố trí ánh sáng không đều
Không nhất thiết phải lắp đèn khắp phòng nhưng bạn không nên để trong nhà có góc tối. Để tiết kiệm, bạn có thể lắp nhiều hệ thống đèn để bật tắt tùy vào thời điểm sử dụng. Khi đó, mọi không gian trong nhà đều có đủ ánh sáng.
Mỗi phòng nên được lắp đặt nhiều hệ thống đèn khác nhau. Ảnh: Hà Thành |
3. Nơi đặt công tắc không thuận lợi
Tùy vào thiết kế của ngôi nhà và thói quen sinh hoạt, bạn nên chọn vị trí lắp công tắc sao cho phù hợp. Chẳng hạn, đèn cầu thang cần đặt công tắc ở hai vị trí để bạn có thể bật đèn ở tầng 1 và tắt đèn ở tầng 2. Hay tại phòng ngủ, công tắc nên đặt ở sát cửa ra vào và gần giường ngủ.
4. Ánh sáng không phù hợp
Hai ánh sáng đèn phổ biến nhất là ánh sáng trắng và vàng. Ánh sáng vàng thường gây cảm giác bức bối vào mùa nóng. Trong khi ánh sáng trắng lại cho màu sắc không thật và có phần nhợt nhạt. Để không gian không đơn điệu, bạn có thể kết hợp hai loại ánh sáng này với nhau.
Một lưu ý khác là bạn không nên chọn ánh sáng xanh, tìm, đỏ... cho những phòng chức năng thông thường (bếp, phòng ngủ, phòng khách) để không gây nhức mắt. Những ánh sáng này chỉ nên dùng để trang trí.
5. Không đúng loại bóng đèn
Bạn nên chọn loại đèn phù hợp với công năng và thiết kế của căn phòng. Trong phòng ngủ, đèn sợi đốt là lựa chọn nên được ưu tiên để có thể điều chỉnh được độ sáng. Đèn tranh, ảnh nếu rọi bằng ánh sáng trắng sẽ cho sai màu. Hay tại lối đi, những nơi tắt bật liên tục, nếu dùng bóng compact thì bóng rất dễ cháy. Kiểu đèn còn cần phù hợp với phong cách nội thất. Trong không gian hiện đại, đèn chùm kiểu cổ điển sẽ không thích hợp.