Các số liệu và nhận định tại bản Báo cáo đều tính đến hết tháng 8 của năm nay. Theo đó, sự ổn định của thị trường BĐS, theo Bộ Xây dựng được thể hiện qua 6 yếu tố.
Đầu tiên là giá cả ổn định. Thông tin chứng minh là một số dự án tại các khu vực gần trung tâm, có hạ tầng đầy đủ, chủ đầu tư có uy tín, triển khai đúng tiến độ, giá chào bán tăng nhẹ từ 1 đến 5% so với cùng kỳ 2015.
Bộ Xây dựng nhận định rằng, trong thời gian tới, thị trường BĐS tiếp tục duy trì
sự tăng trưởng ổn định. Ảnh minh họa
Thanh khoản tăng là yếu tố thứ hai. Bản báo cáo chỉ rõ, lượng giao dịch thành công năm 2015 và 8 tháng năm 2016 tăng trưởng khá, ở cả phân khúc căn hộ trung cao cấp và căn hộ có diện tích vừa và nhỏ. Tại thành phố Hà Nội có khoảng 10.250 giao dịch thành công, và Tp.HCM có khoảng 10.200 giao dịch thành công.
Yếu tố thứ ba là cơ cấu hàng hoá BĐS nhà ở được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường. Theo báo cáo, đến nay trên địa bàn cả nước có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ. 96 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp với nhu cầu thị trường với số lượng ban đầu là 44.700 căn hộ đề nghị điều chỉnh thành 60.000 căn.
Tồn kho tiếp tục giảm mạnh được cho là yếu tố thứ tư thể hiện sự ổn định của thị trường BĐS. Bởi tổng giá trị tồn kho còn khoảng 34.724 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 93.824 tỷ đồng (72.99%), so với tháng 12/2015 giảm 16.165 tỷ đồng (31.77%).
Yếu tố thứ năm là tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống. Cụ thể, đến ngày 30/6, dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là 425.025 tỷ đồng, tăng 8.2% so với thời điểm 31/12/2015.
Yếu tố cuối cùng là tốc độ giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng tiếp tục tăng khá. Tính đến tháng 8/2016 tổng số tiền đã cam kết cho vay đạt 35.025 tỷ đồng, đã giải ngân được 28.356 tỷ. Bộ Xây dựng đánh giá, cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường BĐS từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá, góp phần cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.