Trong khi đó phía bên tay phải (thuộc Bạch hổ) là vùng hoạt động nhiều hơn, cần thoáng đãng hơn và ít vướng víu, nên bố trí các loại sổ sách, giấy tờ lưu chuyển hàng ngày, tiếp khách ở phía bên này cũng thuận lợi hơn.
Về quan hệ trong phòng, bàn viết nên chọn vị trí tọa lạc ở góc xa của căn phòng so với cửa chính. Sao cho phía trước bàn có một khoảng không gian tương đối rộng gọi là Tiểu minh đường với chủ thể sử dụng. Vùng trống này là nơi giao tiếp, thư giãn và giữ khoảng cách an toàn cho chủ thể trước tác động từ ngoài vào. Do đó nếu chủ thể chọn cách ngồi “ úp mặt vào tường” cho dù hướng nhìn đó là hợp tuổi đi chăng nữa, đương nhiên chủ thể cũng đã làm mất đi vùng Minh đường thoáng đãng, mất khoảng lùi và khoảng giao tiếp của mình. Vị trí góc phòng xa với lối vào cũng là khu vực Hoạt khí, khiến con người ta cảm thấy an tâm vì góc quan sát, kiểm soát rộng, có chỗ dựa và có chỗ dự phòng chung quanh (hình 2). Đó cũng nên là lựa chọn cho các vị trí chủ chốt mang tính ổn định, còn những ai cần đi lại nhiều và mang tính phụ trợ thì có thể ngồi gần cửa ra vào hơn, tuy nhiên vẫn nên kê bàn chếch góc một chút so với cửa ra vào, để tránh người ngoài vừa bước vào đã va chạm ngay với các không gian làm việc bên trong. Ngoài ra, khi đặt bàn viết, cần chú ý tránh những điều sau:
* Kê bàn ngay dưới xà ngang: Người ngồi viết có cảm giác bị đè đầu, không thoải mái, ảnh hưởng tới kết quả học tập, làm việc. Những thiết bị khác như quạt trần, máy lạnh… nếu “chiếu” ngay lên đầu người ngồi làm việc cũng gây cảm giác khó chịu tương tự.
* Kê sát và đối diện với cửa sổ: Bàn viết kiểu Vọng Không (nhìn ra ngoài trời) về mặt phong thủy là không phù hợp. Xét riêng về mặt môi trường, khi kê bàn viết sát với cửa sổ, cảnh sắc bên ngoài sẽ dễ làm cho người ta phân tâm, mất tập trung. Tuy nhiên, bạn có thể kê bàn viết hơi lệch khỏi cửa sổ. Nếu bạn là người thuận tay phải thì ánh sáng tự nhiên nên chiếu vào bên tay trái của bạn để khỏi che khuất bóng khi làm việc.
* Ghế ngồi quay lưng ra cửa: Phía sau là khoảng không gian rộng lớn, người ngồi cảm thấy chống chếnh, vả lại cửa lớn là miệng nạp khí của cả ngôi nhà, có thể là sinh khí và cũng có thể là khí ô uế. Cảm giác trống trải phía sau khiến ta có cảm giác rờn rợn, không an toàn, gây bất an trong quá trình phát triển sự nghiệp.
(Theo Thanh niên)