Tháp chuông Kalyazin, Nga
Tháp chuông Kalyazin là phần còn lại của tu viện Thánh Nicholas được xây dựng vào khoảng 1796 - 1800. Theo các tài liệu, đây được coi là biểu tượng của nước Nga cũ đã bị biến mất sau cuộc cách mạng. Năm 1939, chính phủ đã quyết định nhấn chìm thị trấn để làm hồ chứa nước trên dòng sông Volga. Tu viện vì thế bị bỏ hoang. Tuy vậy, khi các du khách bị ấn tượng với khung cảnh kỳ lạ của nhà thờ còn hiện diện trên mặt nước, nước này đã quyết định gia cố tháp chuông và tạo một hòn đảo nhỏ bao quanh để những con thuyền có thể ghé vào.
Nhà thờ ở Nga. Ảnh: Michael Clarke.
Nhà thờ Reschen, Italy
Reschensee là một mặt hồ nhân tạo gần biên giới với Áo và bên dưới chính là ngôi làng Graun đã chìm sâu dưới nước cùng nhà thờ Reschen (ngoại trừ phần tháp chuông) vào năm 1950. 163 căn nhà và hơn 522 ha đất nông nghiệp đã phải nhường chỗ cho hồ chứa nước sâu 72 feet (khoảng 24 m). Ngôi nhà thờ tưởng chừng bị sụp đổ khi nước bắt đầu dâng cao nhưng tháp chuông được xây từ thế kỷ 14 vẫn còn tồn tại hiên ngang đến ngày nay. Người ta nói rằng, bạn vẫn có thể nghe văng vẳng tiếng chuông vào mùa đông khi mặt hồ đóng băng.
Nhà thờ nổi ở Italy. Ảnh: Petr Drápalík.
Nhà thờ Krokhino, Nga
Thuộc làng Vologda Oblast ở Nga, nhà thờ Krokhino được xây dựng trên khu vực giáp ranh sông Sheksna và hồ Onega từ thế kỷ 15. Hiện nhà thờ đã bị chìm dưới mặt nước khi chính quyền khởi động công trình thủy điện những năm 1980. Khối kiến trúc vẫn tồn tại cho đến hiện nay tuy một phần bị sụp đổ và trở thành điểm đến rất thu hút du khách.
Nhà thờ đổ nát ở Nga. Ảnh: Sharon.
Nhà thờ cổ Petrolandia, Brazil
Petrolandia là thị trấn ở Brazil gần dòng sông Sao Francisco đã bị dời đi khi con đập được xây dựng. Một trong nhiều thứ người dân không thể mang theo là công trình tôn giáo của họ. Ngày nay, phần mái nhà thờ tồn tại một nửa dưới làn nước xanh trông như miệng chú cá khổng lồ đang há to đớp mồi.
Phần nhà thờ còn lại ở Brazil. Ảnh: Andre Estima.
Nhà thờ Holy Rosary, Ấn Độ
Nằm trong một khung cảnh đẹp và có phần kỳ diệu, nhà thờ Holy Rosary ở Karnataka, Ấn Độ xuất hiện và biến mất hàng năm. Công trình được xây dựng vào những năm 1860 gần Hassan và con đập được hình thành những năm 1960. Sau khi cả làng chuyển đi để nhường chỗ cho lòng hồ chứa Hemavathy, ngôi nhà thờ không bị đập bỏ mà vẫn được giữ lại. Vào mùa hạ, mái và một phần thân nhà thờ hiện ra quyến rũ dưới ánh nắng hè để rồi mùa mưa đến nó lại từ từ chìm dưới nước.
Nhà thờ nổi lên rồi lại biến mất trong năm. Ảnh: Bhaskar Dutta.
Nhà thờ thánh Nicholas, Macedonia
Nằm ở Mavrovo, Macedonia, ngôi nhà thờ thánh Nicholas được xây dựng năm 1850 và tồn tại trong vòng 153 năm cho đến khi hồ chứa nước nhân tạo hoàn thành. Ban đầu nhà thờ hoàn toàn chìm dưới nước nhưng sau đó lại nổi lên đặc biệt là vào mùa hè trong những năm hạn hán đầu thế kỷ 21. Không biết tự nhiên hay số mệnh đã tạo nên sự xuất hiện kỳ diệu này. Nhiều người tin rằng đó là bàn tay của thượng đế.
Nhà thờ xuất hiện trở lại sau đợt hạn hán. Ảnh: Imir Kamberi.
Nhà thờ ở Potosi, Venezuela
Cây thánh giá trên nóc nhà thờ ở Potosi, Venezuela là tất cả những gì có thể thấy được của thị trấn sau khi chính phủ khởi động công trình xây đập La Honda. Tổng thống khi đó là Carlos Andrés Pérez đã bay đến ngôi làng 1.200 dân vào năm 1985 để thăm và phát biểu. Tuy vậy một số người dân tỏ ra khá thất vọng khi phải rời bỏ ngôi làng tươi đẹp của mình.
Chóp nhà thờ là phần còn lại sau khi công trình thủy điện khởi động. Ảnh: Juan Tello.
Tất cả nhà thờ bị chìm dưới lòng nước đang “trên đường trở lại”, đó là kết quả của việc tự nhiên đang bị con người khai thác một cách triệt để. Năm 2010, hiện tượng El Nino đã gây hạn hán ở nhiều nơi và góp phần đưa một số nhà thờ vốn ngập sâu trong nước xuất hiện.