Ông Thân Thành Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xúc tiến thương mại và Đầu tư Sao Khuê, đơn vị vừa tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp BĐS Việt Nam đi xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản cho biết, quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản ngày càng tốt đẹp và đặc biệt họ nhìn thấy nền kinh tế Việt Nam đang phát triển bền vững. Mặt khác, thu nhập người dân trong nước đang tăng cao sẽ kéo theo nhu cầu nhà ở cao cấp tăng lên trong những năm tới, nhất là những gia đình trẻ… đang là những lý do chính "kích thích" các nhà đầu tư hàng đầu của Nhật Bản dồn dập "rót" vốn vào lĩnh vực địa ốc trong nước.
Trao đổi với Pv, ông Vũ cho biết trong chuyến đi vừa rồi những tập đoàn Nhật Bản đã chia sẻ rằng rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực địa ốc tại Tp.HCM và Hà Nội như phát triển khách sạn 5 sao, nhà ở cao cấp, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng… ở khu vực trung tâm.
Nhà đầu tư Nhật Bản đổ mạnh vốn vào thị trường BĐS Việt Nam. Ảnh minh họa
Đơn cử như tập đoàn Sumitomo muốn phát triển một dự án cao ốc văn phòng hơn 100 triệu USD, hay tập đoàn Toshin, chủ của trung tâm thương mại Takashiyama – vừa mới mở ở khu vực trung tâm Tp.HCM, muốn phát triển một dự án khoảng 200 triệu USD... Tổng số tiền mà các tập đoàn này muốn đầu tư ngay vào các dự án ước tính lên đến hơn 2 tỷ USD.
Do đó, ông Vũ cho rằng khả năng sắp tới sẽ có rất nhiều các dự án BĐS tại Tp.HCM và Hà Nội đổi chủ. Doanh nghiệp Nhật mạnh về tài chính, lãi suất vay còn rất thấp và có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển kinh doanh BĐS, sẽ dễ dàng thâu tóm các dự án BĐS có vị trí đẹp của doanh nghiệp trong nước.
Trong buổi họp báo công bố báo cáo thị trường bất động sản quý III/2016, CBRE tiết lộ, nhà thầu thi công dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tập đoàn Maeda Nhật Bản đã bất ngờ mở rộng đầu tư sang thị trường BĐS. Đây là một chủ đầu tư hoàn toàn mới trên thị trường, tập đoàn này đã làm việc với CBRE đến 6 năm chỉ để nghiên cứu thị trường và để xác định vào phân khúc đầu tư.
Được biết dự án mà Meada đầu tư có tên là Wateria Suites, hợp tác với Công ty xây dựng Thiên Đức. Dự án có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, được triển khai xây dựng trên quy mô 2.000m2 với 89 căn hộ có diện tích từ 150-200m2, điểm đặc biệt của dự án này là các căn hộ đều có mặt sông.
Theo JLL, mức độ minh bạch trong thị trường BĐS sẽ giúp thu hút các nguồn vốn, cả mới và cũ. Với các nhà đầu tư BĐS Nhật Bản, cái họ cần hơn cả là mức độ chính xác và kịp thời của thông tin, hay nói cách khác là chỉ số minh bạch của thị trường.
Mới đây nhất, Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) đã ký kết thỏa thuận với Indochina Capital để thành lập liên doanh chuyên về đầu tư BĐS tại thị trường Việt Nam, với tổng vốn đầu tư ước tính lên tới 1 tỷ USD trong vòng 10 năm, với tỷ lệ góp vốn là 50:50. Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn Kajima của Nhật đầu tư vào Việt Nam với vai trò là nhà đầu tư phát triển dự án. Và theo kế hoạch liên doanh này sẽ mua lại các dự án bất động sản của doanh nghiệp trong nước.
Hay như Tập đoàn Mitsubishi gần đây cũng ký kết với tập đoàn Bitexco để thành lập một liên doanh phát triển dự án nhà ở tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 290 triệu USD. Các công ty con chuyên đầu tư vào mảng BĐS của Mitsubishi cũng đã hợp tác liên doanh với tập đoàn Lotte của Hàn Quốc để thực hiện dự án Khu phức hợp Thành phố thông minh Thủ Thiêm (Thủ Thiêm Eco Smart City) tại khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng số vốn đầu tư mà liên doanh Lotte cam kết rót vào khoảng 2.2 tỷ USD.
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới Việt Nam, nhiều tập đoàn đang nỗ lực tìm hiểu thị trường và cố gắng để có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường. Nhiều giao dịch hiện đang được tiến hành ký kết và dẫn đầu là các tập đoàn đến từ Nhật Bản.
Cũng theo ông Vũ, sắp tới Hiệp hội BĐS Du lịch Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo quốc BĐS quốc tế tại Tp.HCM quy tụ rất nhiều tập đoàn đầu tư BĐS lớn của khu vực và thế giới. Trong đó, phần đông là hơn 20 nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản sẽ tham gia, tìm hiểu môi trường và đối tác để chuẩn bị mở rộng chiến lược đầu tư quy mô vào BĐS trong nước.