Dòng vốn đầu tư trước tiếp nước ngoài (FDI) vào BĐS Việt tiếp tục đến từ những quốc gia quen thuộc như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc... thực tế, họ đã bước vào thị trường BĐS Việt Nam khá lâu, chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM và đây là thời điểm họ tiếp tục rót vốn để thực hiện kế hoạch mới.
Bà Lim, đại diện của Jones Lang Lasalles cho biết: “Nhiều nhà đầu tư BĐS tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ trưởng thành nên đã dành nhiều mối quan tâm vào BĐS quốc gia này từ năm 2013”.
Trong giai đoạn 15 năm tới, BĐS Việt Nam sẽ đón nhận những cơ hội lớn để phát triển
Ảnh minh họa
Mặt khác, những thay đổi trong quy định sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài có hiệu lực bắt đầu từ tháng 7/2015 đã kích thích doanh số bán hàng tại phân khúc nhà ở. Nhất là thời điểm năm 2015 và nửa đầu 2016, doanh số này lần lượt là 24.000 và 16.800 căn hộ, cao hơn đến 250% so với doanh số bán hàng trong giai đoạn 2011 – 2014.
Số liệu thống kê gần đây cho thấy, việc làm trong các ngành sản xuất và dịch vụ đã tăng lên đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong 10 năm tới, điều này sẽ là yếu tố chính thúc đẩy thu nhập của người dân.
“Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên đều đặn trong thập kỷ qua với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 11%. Chúng tôi dự báo thu nhập và sức mua của người dân sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới. Nguồn cung nhà ở của Việt Nam dự báo sẽ tăng 74% trong 3 năm tới nhưng chúng tôi tin tưởng rằng mức tăng này có thể vẫn chưa đủ so với khả năng hấp thụ của thị trường”, bà Lim cho biết thêm.
Theo nhận định của ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, thị trường BĐS nhìn tổng thể vẫn được duy trình trạng thái tốt nếu so sánh với "cơn ác mộng" từ năm 2008.
Thị trường nhà ở sơ cấp vẫn hoạt động khá bền vững trong thời gian qua, trong khi thị trường thứ cấp đang bùng nổ. Về phân khúc thu hút đầu tư dòng vốn ngoại, BĐS nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Phú Quốc và đặc biệt là Đà Nẵng đang trở thành tâm điểm "nóng" hơn bao giờ hết.
Lý giải thêm về xu hướng này, ông Sigrid Zialcita, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thuộc công ty Cushman & Wakefield cho rằng, BĐS Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi cao nhất từ công động kinh tế ASEAN (EAC). Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư trước khi gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), từ đó giúp khơi thông dòng vốn từ các nước lớn vào lĩnh vực này.
Ông Zialcita tin rằng, trong vòng 15 năm tới, BĐS Việt Nam sẽ đón nhận những cơ hội rất to lớn, đặc biệt khi đất nước này trở thành một "đại công trường" của các nước trong khu vực và thế giới.
Theo các chuyên gia, xu hướng chính sẽ diễn ra tại thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2020. Đó là, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ưu tiên nguồn vốn vào phát triển nhà ở hợp túi tiền và tập trung vào giới trẻ mới lập gia đình; BĐS khu công nghiệp kết hợp đô thị và BĐS xanh ven biển.