Biến động giá phôi thép tại châu Á
Tại Trung Quốc, tính đến ngày 27/7 giá thép đạt mức 3.790 nhân dân tệ/tấn (tương đương 558 USD/tấn), tăng 70 nhân dân tệ so với cách đó một tuần. Cùng thời gian này, thành phố Đường Sơn ghi nhận lượng phôi thép tồn kho là 310.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với cách đó một tuần, theo nguồn tin của một thương lái địa phương.
Tuần trước, thị trường thép Trung Quốc cũng không có đơn hàng nào được xuất khẩu vì theo dự đoán của nhiều người, cả nhu cầu và giá trong nước sẽ sớm cải thiện. Nếu tính theo giá nội địa thì giá xuất khẩu sẽ dao động từ 525-530 USD/tấn (FOB – giá giao lên tàu), nhân viên quản lý xuất khẩu tại một nhà máy thép ở phía Bắc Trung Quốc cho biết.
Giá phôi thép trong tuần qua trên thế giới khá ổn định,
một số nơi chỉ tăng nhẹ. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, do nhu cầu mua thấp và sự bất ổn của thị trường nên giá phôi thép nhập khẩu tại thị trường Đông Nam Á cũng đi ngang.
Còn theo một số nguồn tin, trong tuần trước, phôi thép có nguồn gốc từ Nhật Bản bán sang thị trường Philippines có giá khoảng 546 USD/tấn (CFR – tổng tiền hàng và cước vận chuyển). Dù xuất sang cùng thị trường, nhưng một lô hàng phôi thép Ấn Độ được sản xuất bằng lò nung từ cảm ứng có giá thấp hơn, với 533 USD/tấn (CFR) trong khi giá xuất từ Cộng đồng các quốc gia độc lập (C.I.S) dao động trong khoảng 547 – 548 USD/tấn (CFR).
Theo thông tin từ một thương lái Đông Á, ở khu vực Biển Đen, thông thường quá trình vận chuyển hàng hóa cần thời gian dài hơn nên người mua ít khi đặt hàng tại đây với mức giá như hiện tại. Ngược lại, do thời gian vận chuyển ngắn hơn và giá cạnh tranh hơn nên thị trường Philippines rất được ưa chuộng.
Cùng thời gian, sản phẩm phôi sản xuất từ thép lò cao và lò hồ quang điện có nguồn gốc từ châu Á, tiêu biểu là Nga, có giá dao động từ 540 – 550 USD/tấn (CFR), theo một nguồn tin tại Philippines.
Metal Bulletin cũng trích dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, tính đến ngày 27/7, sản phẩm phôi lò cao và phôi lò nung từ cảm ứng kích thước 130 x 130mm của Việt Nam xuất qua Philippines có mức giá lần lượt là 547 USD/tấn và 542 USD/tấn (CFR). Đáng chú ý, giá phôi được sản xuất từ lò nung từ cảm ứng đã tăng khoảng 2 USD so với cách đây một tuần. Tuy vậy, trong khoảng thời gian này thị trường không ghi nhận đơn hàng Việt Nam nào.
Sản phẩm phôi thép xuất khẩu từ Đài Loan sang thị trường Đông Nam Á có giá dao động từ 553 – 555 USD/tấn (CFR). Tại thị trường Indonesia, giá phôi thép chào bán dao động từ 545 – 550 USD/tấn (CFR) nhưng cũng trắng đơn.
Theo nhận xét của một số thương lái tại Philippines, sự im ắng của thị trường là do khách hàng đang chờ đợi thời cơ, giảm bớt mua vào vì lượng tiêu thụ thép thanh thành phẩm trong nước đang chững lại.
Biến động giá phôi thép tại C.I.C, Thổ Nhĩ Kỳ
Trong tuần trước, thị trường phôi thép của khu vực C.I.C ghi nhận một số dấu hiệu tích cực mặc dù đa phần các đại lý lớn vẫn hoạt động cầm chừng và ảm đạm.
Tuy nhiên tâm lý thị trường đang dần cải thiện khi nguồn cung phôi thép tại khu vực có dấu hiệu suy giảm do một số nhà máy tạm ngừng sản xuất để bảo dưỡng, đặc biệt là tại Ukraine. Một nguyên nhân khác là tuần trước đã có lượng lớn phôi thép được xuất khẩu sang Ai Cập vì các thương lái nước này đang tìm kiếm nguồn cung mới thay thế cho Iran.
Từ sau ngày 6/8, khi Mỹ tuyên bố sẽ tái trừng phạt thương mại đối với Iran, nhiều người tham gia thị trường đã có động thái hạn chế đặt hàng từ nước này. Hơn nữa, những khách hàng đến từ Ai Cập đã bắt đầu chuyển hướng sang phôi thép của C.I.S.
Theo một số nguồn tin, giá chào bán phôi thép của C.I.S khá cạnh tranh, dao động khoảng 517 – 520 USD/tấn (CFR) hoặc 497 – 500 USD/tấn (FOB) tới khu vực Biển Đen. Tuy vậy, đây vẫn là khu vực trắng đơn mua hàng vì một số khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang dồn sự tập trung cho các đơn hàng phế liệu.
Biến động giá phôi thép tại thị trường Trung Đông, Bắc Mỹ
Sản phẩm phôi thép xuất khẩu từ Iran vào thị trường UAE (Các nước tiểu vương quốc Arab thống nhất) trong tuần qua dao động từ 530 - 535 USD/tấn (CFR) tuy nhiên cũng rơi vào tình trạng trắng đơn hàng. Còn giá phôi thép nhập khẩu tại Ai Cập tuy bắt đầu có dấu hiệu tăng nhưng nhu cầu chưa nhiều.