Công trình nhìn từ lối vào chính. |
Một trong những công trình tiêu biểu của Le Corbusier là biệt thự Savoye, nằm ở thành phố Poissy, một thành phố vệ tinh cách Paris khoảng 30km về phía Tây Bắc. Công trình này là điểm kết của một chuỗi các biệt thự được Le Corbusier thiết kế trong khoảng những năm 1920. Trong chuỗi công trình này, Le Corbusier đưa ra thử nghiệm cách áp dụng một loại vật liệu mới lúc bấy giờ là bêtông, các thử nghiệm về thiết kế dựa trên các thông số về tỷ lệ con người, cũng như thử nghiệm việc tiêu chuẩn hoá một số yếu tố trong thiết kế.
Ram dốc là yếu tố chính kết nối các không gian theo chiều đứng. |
Được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1928 đến năm 1931, biệt thự này có chức năng ban đầu là nhà nghỉ cuối tuần của gia đình Savoye. Không giống như hầu hết những ngôi biệt thự được thiết kế trước đó bởi Le Corbusier, vốn nằm trong các bối cảnh đô thị phức tạp, bịệt thự Savoye toạ lạc trong một khuôn viên rộng và thoáng, với vô số các loại cây và thảm cỏ xanh rì. Điều này chính là tiền đề để Le Corbusier thiết kế một công trình thể hiện được hoàn toàn quan điểm thẩm mỹ kiến trúc dựa trên vật liệu bêtông với năm đặc điểm chính như sau:
Công trình được nâng lên khỏi mặt đất bởi hệ thống cột, cho phép không gian sân vườn được trải dài tự do dưới công trình.
Công trình sử dụng mái phẳng bằng bêtông thay vì hệ mái dốc truyền thống, bản thân mái cũng được sử dụng vào mục đích sinh hoạt cũng như làm sân vườn.
Với việc sử dụng hệ thống cột, Le Corbusier đã xoá bỏ hoàn toàn vai trò của hệ thống tường chịu lực, vẫn được sử dụng rất phổ biến cho đến lúc đó. Điều này cho phép công trình có mặt bằng tự do, với hệ thống vách ngăn nhẹ được đặt theo ý muốn ở từng tầng mà không cần quan tâm đến hệ thống vách ngăn ở tầng trên hay dưới nó.
Hệ thống tường không còn chức năng chịu lực tạo thuận lợi để có thể mở những cửa sổ chạy dài từ đầu này đến đầu kia của công trình, đem theo nhiều ánh sáng và gió vào bên trong công trình.
Hệ thống cột thụt lui vào trong so với mặt đứng, sàn đưa ra ngoài dựa trên hệ dầm công-xôn (cantilever). Mặt đứng lúc này trở nên thanh thoát nhẹ nhàng, và chỉ đơn thuần là những mảng tường bao che và những ô cửa sổ.
Với quan niệm “nhà là một cái máy để ở”, Le Corbusier đã thiết kế công trình theo chủ nghĩa công năng, tất cả các yếu tố đều có giá trị sử dụng, không có bất cứ sự xuất hiện của yếu tố mang tính trang trí thuần tuý nào. Ông sử dụng những đường nét và hình khối rất cơ bản để đưa công trình đến một vẻ đẹp đơn giản và thuần khiết.
Ở một khía cạnh khác, Le Corbusier thiết kế công trình dựa trên sự cộng sinh giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên, thể hiện qua ý tưởng xoá tan những giới hạn giữa bên trong và bên ngoài công trình.
Mặt bằng của ngôi nhà được bó gọn trong một hình chữ nhật với tỷ lệ hai cạnh được xác định theo quy tắc tỷ lệ vàng, một quy tắc do chính Le Corbusier đề ra dựa trên các nghiên cứu của ông về toán học. Trong hình chữ nhật đó, lần lượt xuất hiện các đường cong như đường cong bán kính quay xe, của cầu thang xoắn ốc, của các mảng tường chắn gió trên sân thượng... để làm mềm hoá và tạo sự sinh động.
Cầu thang xoắn ốc có vai trò như một tác phẩm điêu khắc trang trí. |
Tầng trệt của công trình được thụt lùi so với hàng cột ngoài một khoảng vừa đủ để ôtô có thể chạy quanh công trình và do đó hoàn toàn chìm khuất trong bóng râm từ tầng 1, càng làm nổi bật sự tách rời giữa công trình và mặt đất.
Le Corbusier đã mô tả công trình của mình như “một cái hộp giữa không trung, với những ô cửa sổ chạy dài xung quanh, không gián đoạn...”
Tầng trệt là nơi bố trí các không gian phục vụ: phòng giặt ủi, phòng ngủ cho người giúp việc, phòng tài xế, garage... Sảnh vào công trình tràn ngập ánh sáng tự nhiên bắt nguồn từ sân vườn ở tầng 1, thông qua cầu thang và ram dốc. Việc sử dụng ram dốc là yếu tố chính để kết nối các không gian theo chiều đứng là một nét đặc biệt trong công trình này. Trong khi đó, cầu thang dưới dạng xoắn ốc, xuống tới tầng hầm, lại đóng vai trò như một điểm nhấn mang hơi hướng của nghệ thuật điêu khắc trong công trình.
Tất cả các không gian phục vụ cho việc sinh hoạt của gia đình Savoye đều nằm ở tầng 1 và được bố trí xung quanh khoảng sân thượng có trồng cây mà Le Corbusier gọi là “vườn treo”. Trong tất cả các phòng đều có bệ cửa sổ bằng bêtông chạy dọc theo tường ngoài, nằm lên trên một hệ thống tủ tường bằng nhôm có cửa trượt.
Giữa phòng khách và sân thượng là một tường kính cao từ sàn đến trần, hoàn toàn trong suốt, tạo cảm giác không hề có sự ngăn cách giữa bên trong và bên ngoài. Vào ban đêm, phòng khách được chiếu sáng bởi hệ thống đèn nằm trong máng bằng thép mạ nikel treo trên trần.
Bên cạnh phòng khách là bếp, giữa hai không gian này là một khoảng không gian đệm.
Hành lang nối giữa phòng ngủ của khách và phòng ngủ của con trai được chiếu sáng bằng những cửa sổ trên cao, cùng với mảng tường sơn màu xanh dương đậm, tạo ra một thứ ánh sáng lung linh trong một không gian tĩnh lặng, đem lại cảm giác rất thư thái.
Phòng ngủ của cha mẹ nằm ở phía đối diện phòng khách. Điểm nhấn của không gian này là phòng tắm được thiết kế theo quan điểm rất hiện đại vào lúc đó, hoàn toàn mở về phía phòng ngủ, chỉ ngăn cách bằng một bệ bằng gạch men có hình dáng của một tràng kỷ, tràn ngập trong ánh sáng toả xuống từ cửa sổ mái bằng kính.
Điểm kết thúc của ram dốc là không gian sưởi nắng nằm trên mái. Không gian này được bao bọc bởi những bức tường chắn gió. Giữa bức tường này, nằm trên trục của ram dốc là một ô hình chữ nhật, tạo ra một khung hình nhìn xuống cảnh quan của vùng thung lũng sông Seine.
Nếu như toàn bộ bề ngoài của ngôi nhà đều được sơn màu trắng, một màu trung tính để thể hiện sự tinh khiết cũng như để hạn chế tối đa những tác động đến cảnh quan thiên nhiên xung quanh thì trong các không gian sinh hoạt, Le Corbusier đều bố trí những bức tường có màu sắc khác nhau: xanh dương, vàng thổ, xám rêu...để làm tăng chiều sâu cũng như tính sinh động của không gian.
Biệt thự Savoye là sự đúc kết của nhiều năm thiết kế, và cũng là một cái nền cơ bản cho rất nhiều những công trình sau này của Le Corbusier.
Sau thế chiến thứ 2, công trình đã được chính quyền thành phố Poissy mua lại để cải tạo lại thành một trường học vào năm 1958. Nhận thức được những ảnh hưởng sâu rộng của công trình đến sự phát triển của kiến trúc thế giới, năm 1962, chính phủ Pháp đã mua lại quyền sở hữu công trình để rồi từ năm 1963 đến năm 1997, công trình đã trải qua nhiều cuộc cải tạo và phục dựng để trở lại với thiết kế ban đầu, nhưng hoạt động như một điểm du lịch, một bảo tàng của trường phái kiến trúc hiện đại. Cũng trong giai đoạn này, công trình được xếp hạng di tích văn hoá lịch sử quốc gia, khi mà Le Corbusier vẫn còn sống và làm việc.
Tầng trệt hoàn toàn chìm trong bóng râm của tầng 1, nhấn mạnh ý đồ thể hiện công trình như một cái hộp nằm giữa không trung. |
Phòng khách với bức tường màu cam nhạt làm tăng độ sâu và sự linh hoạt của không gian. |
Bệ cửa sổ nằm trên tủ tường bằng nhôm chạy dọc theo tường. |
Một góc phòng ngủ chính với cửa sổ nhìn ra sân thượng. |
Các mảng kính lớn xoá tan ranh giới giữa bên trong và bên ngoài. |
Phòng khách và mái nhìn từ sân thượng. |
Ths.Kts Đỗ Đăng Khoa
(Theo SGTT)