Liên quan tới công tác quản lý trật tự xây dựng, vấn đề chế định xử phạt để cho tồn tại công trình xây sai phép vẫn kéo dài chưa hồi kết. Gần 10 tháng kể từ thời điểm Thông tư 02 ngày 12/2/2014 ra đời, hướng dẫn 11 vấn đề trong Nghị định 121/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng mới ban hành "thêm" công văn hướng dẫn các trường hợp được áp dụng.
Đồng thời, cơ quan quản lý vĩ mô chịu trách nhiệm cao nhất trong lĩnh vực xây dựng cũng cấp tập soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi theo hướng bó hẹp đối tượng "thụ hưởng chính sách".
Chưa thực sự đi vào cuộc sống
Đây là trích nguyên văn trả lời báo chí của lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng khi trao đổi để làm rõ hơn nội dung Thông tư 02/2014/TT-BXD sau khi được bộ này ban hành ít ngày.
Người "cầm cân nảy mực" trong rất nhiều vụ khiếu kiện, lình xình tiêu biểu liên quan tới chuyện đền bù, GPMB ở Hà Nội (điển hình là vụ thanh tra công tác dự án xây dựng đường vành đai 2,5 quận Hoàng Mai, hồi giữa năm 2012), đã chỉ ra các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn tới sự ra đời của thông tư "phạt cho tồn tại" này.
Cụ thể, trước thực trạng hàng nghìn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch "nhởn nhơ" trước pháp luật nhiều năm qua, dù quy định của pháp luật đã… rất đầy đủ, chứng tỏ các quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống hoặc thực thi pháp luật chưa nghiêm.
Rõ hơn, hành lang pháp lý "sát sườn" nhất được hình thành bởi: Nghị định 180/2010/NĐ-CP, Nghị định 121/2013/NĐ-CP và Thông tư 02/2014. Trong đó, Bộ Xây dựng đã rất nỗ lực trong việc soạn thảo, ban hành Nghị định 121 cũng như thông tư hướng dẫn hồi tháng 2 vừa qua, nhằm phân loại sai phạm để xử lý bảo đảm tính "công bằng".
Nhưng, luận theo lý giải của lãnh đạo Thanh tra, gốc của tình trạng "nhà quản lý bó tay trước sai phạm" phần nhiều nằm ở khâu quy hoạch và cấp phép xây dựng chưa phối hợp nhịp nhàng. Đó là, để cấp phép xây dựng phải có quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được công khai trước dân.
Những sai phạm trật tự xây dựng sẽ vẫn còn nối dài |
Một vị đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng trần tình: "Trên thực tế, chúng ta không thực hiện được việc này, dẫn đến việc tùy tiện trong thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng. Chính vì lý do đó, mà nhiều công trình xây dựng vượt tầng, sai phép, nhưng chúng ta không phá dỡ được và vẫn tồn tại…".
Nhằm rộng đường dư luận về cách hiểu Thông tư 02 "vẽ đường cho hươu chạy" (mức phạt 40 - 50% phần sai phạm và diện áp dụng), đại diện Thanh tra khi đó cũng phân tích trên cơ sở pháp lý rằng: Không phải tất cả công trình sai phép, không phép đều bị phạt tiền cho tồn tại.
Và, "trong quá trình nghiên cứu, tiếp xúc hàng trăm trường hợp người dân sai phạm và nghe nguyện vọng của họ, chúng tôi đã lựa chọn phương án này (thu 40 - 50% giá trị phần xây dựng sai phép ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính)…". Trong khi đó, giới chuyên gia và người thạo luật đều cho rằng phải phạt tới vài trăm phần trăm mới đủ sức răn đe hành vi sai phạm.
Tiếp tục sửa đổi đến bao giờ?
Sau khi Thông tư 02 ra đời, "hồn cốt" của Nghị định 121 vẫn được giữ nguyên. Điển hình, khoản 9 Điều 13 thể hiện, một số hành vi sai phạm nhưng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng tới các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép (đối với công trình là nhà ở riêng lẻ) và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phạm (đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình). Sau khi chủ đầu tư hoàn thành nộp phạt, cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD hoặc điều chỉnh GPXD.
Nghị định, Thông tư đã có với đầy đủ hướng dẫn, nhưng tới nay, có lẽ thực tế đã cụ thể hóa dự cảm của Thanh tra Bộ Xây dựng từ cuối quý I vừa qua. "Trong quá trình thực hiện, nếu đúng như việc xử lý này là thấp (để chỉ quy định thu 40/50% giá trị phần sai phạm - PV) thì sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định và tiếp tục sửa đổi thông tư".
Cuối tháng 9/2014, Bộ Xây dựng ra Công văn 2316/BXD-TTr hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 121 và Thông tư 02 về việc nộp phạt để tồn tại nhà xây trái phép.
Theo đó, quy định nộp phạt bằng tiền chỉ được áp dụng với nhà sai phép, không phép nếu thỏa mãn tất cả điều kiện: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đã đưa vào sử dụng. Tạm hiểu, việc sai phạm phải "xong xuôi" thì cá nhân, chủ đầu tư mới "được" nộp phạt để hợp thức, hợp pháp phần công trình phạm pháp (!)
Chưa hết, Bộ đang soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ áp dụng quy định này với các trường hợp thỏa mãn điều kiện nộp phạt trước 30/11/2013 (tức thời điểm Nghị định 121 bắt đầu có hiệu lực).
Đồng thời, "lối thoát" cho những sai phạm không thỏa mãn điều kiện nêu trong nghị định lẫn thông tư (bị buộc phá dỡ và chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật) đã manh nha xuất hiện trong "ý tưởng" của Bộ.
Theo đó, để thuận lợi cho người dân cũng như cơ quan quản lý, sau khi chủ đầu tư hoàn tất việc nộp tiền trên, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép công trình được tồn tại và cấp giấy chứng nhận sở hữu theo quy định.
Khó như người làm chính sách! Một đại diện DN BĐS đã thốt lên như vậy. Người dân, nhất là những ai không may đang sinh sống (hoặc góp tiền đầu tư) trong các dự án nhà ở thương mại xây sai phép, vượt tầng tại địa bàn Hà Nội đang chờ nghị định sửa đổi sẽ tạo "nhẹ tay" cho sai phạm.
Bởi, người mua - người có nhu cầu ở thực chỉ là nạn nhân. Buộc phá dỡ (đương nhiên không còn gì để được cấp chứng nhận sở hữu/sử dụng) khác nào "bóp nghẹt" an sinh của họ? Theo đó, những sai phạm trật tự xây dựng sẽ còn nối dài trong giằng co giữa kỷ cương và tính nhân văn của chính sách. Đúng là trăm dâu đổ đầu… Bộ Xây dựng!