Khi trời nồm, độ ẩm thường cao, sàn nhà và tường xảy ra hiện tượng “đổ mồ hôi”, rất không tốt cho sức khỏe và đồ dùng gia đình. Một trong những lời khuyên đầu tiên để đối phó với hiện tượng này là nên đóng kín cửa, bịt kín những khe hở và tránh mở cửa sổ nhiều lần trong ngày. Với việc đóng kín cửa, bạn sẽ hạn chế được khí ẩm từ bên ngoài tràn vào nhà.
2. Bật điều hòa
Khi thời tiết nồm, rất nhiều gia đình sử dụng quạt với hy vọng quạt sẽ làm khô nhà cửa, tường. Trên thực tế, đồ dùng hữu hiệu nhất trong trường hợp này là điều hòa nhiệt độ. Điều hòa sẽ hút hết hơi nước trong môi trường, làm cho nhà bạn khô ráo hơn. Nếu điều hòa của bạn có hai chiều, hãy bật chiều nóng. Nếu điều hòa chỉ có một chiều, hãy bật chiều lạnh khi không có ai trong phòng. Ngoài điều hòa, bạn cũng có thể sử dụng máy hút ẩm để chống nồm.
3. Cất chăn, gối, quần áo
Chăn, gối, quần áo nên cất vào túi nilon để tránh ẩm, chống lại mùi hôi và hạn chế nấm mốc có thể sinh sôi. Vào mùa này, giặt quần áo rất khó khô, tuy nhiên, bạn không được “đốt cháy giai đoạn”, cho quần áo chưa khô hẳn vào tủ mà phải sấy, phơi cẩn thận trước khi cất, mặc.
4. Bảo quản đồ điện tử
Đối với các đồ điện tử trong gia đình, không nên kê thiết bị sát tường để tránh hiện tượng rò điện rất nguy hiểm. Đồ điện nên được kê cao hơn sàn và cách tường khoảng 15 cm. Mỗi ngày, hãy bật ti vi, máy tính ít nhất một lần vì đây chính là hình thức sấy khô máy bên trong. Những đồ điện tử dễ bị tác động do hơi ẩm như máy ảnh, ống kính… cần được bảo quản trong hộp chuyên dụng có răng cưa hoặc bảo quản trong hộp thường có túi hút ẩm bên trong. Nếu màn hình máy ảnh có dấu hiệu đọng nước, cần sấy khô ngay lập tức.
5. Dùng khăn khô lau nhà
Hãy dùng khăn khô, khăn có độ xốp để lau nhà và lau nhiều lần để tránh ẩm ướt thay vì cây lau nhà nhúng sũng nước.
6. Bảo quản thực phẩm
Thực phẩm cần được bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh thay vì trên nền đất, ngoài môi trường. Thời tiết ẩm khiến thực phẩm rất dễ sản sinh các loại vi khuẩn, nấm mốc có hại cho đường hô hấp, tiêu hóa.