Nghe nóí muốn tranh giành quyền thế ở quan trường thì cần Văn tài tinh làm hậu thuẫn, còn tranh giành quyền lực ở thương trường thì lại cần dựa vào Võ tài tinh. Ai thành tâm thành ý thì người đó sẽ được thần Tài phù hộ.
Thần tài văn - Tài Bạch tinh quân : Ông là vị thần mặt trắng, có bộ râu đen dài, mình mặc áo gấm đai ngọc, tướng mạo uy nghiêm, là tướng "phú quý vô hạn". Hiệu là Kim Thần. Theo truyền thuyết ông là Thái Bạch tinh quân trên trời, còn gọi là Tài Bạch tinh quân, chuyên trông coi việc tiền tài trong thiên hạ, ngoài ra ông là người dễ gần, ai cần là ông giúp đỡ ngay, đặc biệt ông thích giúp đỡ những người cầu "chính tài" trên trần gian và những người mong muốn việc buôn bán làm ăn thuận lợi.
Tam tinh Phúc-Lộc-Thọ
Thần tài văn - Tam tinh Phúc, Lộc, Thọ : Phúc tinh là cụ già mặt trắng, râu đen 3 chòm, một tay bồng hài nhi, một tay cầm quạt hình thuẫn, tượng trưng cho con cháu hưng thịnh, hòa hợp. Lộc tinh là cụ già mặt trắng, râu đen 5 chòm, một tay cầm quạt hình thuẫn, một tay cầm ngọc như ý, tượng trưng cho sự nghiệp phát triển thuận lợi, công thành danh toại. Thọ tinh là cụ già da mặt đồi mồi, lông mày bạc, một tay cầm quạt hình thuẫn, một tay chống gậy, tượng trưng cho tuổi thọ và sức khỏe. Xưa nay, chỉ có Lộc tinh mới được coi là thần tài, còn Thọ tinh và Phúc tinh chỉ tượng trưng cho thọ và phúc. Tuy nhiên, Tam tinh luôn đi liền với nhau, tạo thành một thể thống nhất, do đó không nên tách rời Lộc tinh ra khỏi thể thống nhất này.
Thần tài võ - Triệu Công Minh : Theo tục truyền thì Thần tài Triệu Công Minh sinh vào đời Tần, tu hành đắc đạo thành tiên, được thiên đế phong là "Lôi Phó Nguyên Soái" (tức là phó nguyên soái Thiên Lôi) trên đầu đội mũ sắt cưỡi trên lưng cọp màu đen, mặt đen, râu rậm, tay vung roi sắt, có thể hô mưa gọi gió. Theo dân gian, những người buôn bán làm ăn hễ "cầu tài" thì thế nào cũng được Triệu Công Minh giúp đỡ. Tục gọi ông là Triệu Nguyên Soái hay Triệu Huyền Đàn, cũng được gọi là thần tài võ.
Thần tài võ - Quan Vũ: Quan Vũ còn được gọi là Quan Công, là một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á. Ông có võ nghệ cao siêu, và là người trung thực, coi trọng lễ nghĩa, được dân chúng phong là Võ thánh, ông được thờ cúng ở nhiều nơi với hình tượng mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long đao, cưỡi ngựa xích thố. Dân gian xem ông như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa. Ông có thể giúp người kinh doanh buôn bán phát đạt, giúp những người gặp chuyện dữ hóa lành, mang lại bình an và tiền bạc về cho mọi người. Chính vì lẽ đó mà mọi người gọi ông là thần tài với mong muốn luôn được ông phù hộ về mặt tiền bạc.
Muốn treo tranh hợp phong thủy phải hiểu rõ ý nghĩa của bức tranh.
Ảnh: Tranh quan công cưỡi ngựa Xích Thố.
Treo tranh trang trí "thần tài" trong nhà, tuy không chắc đã mang lại hiệu quả cao, song thần tài cũng có thể tạo nên không khí tràn đầy sức sống, ngoài ra, kết hợp thêm những lời thỉnh cầu thần linh phù hộ thì có thể sẽ mời gọi được tài phúc về nhà.
Hợp và kỵ:
• Tượng thần tài nhất thiết phải đặt ở vị trí lành, không nên đặt ở vị trí dữ, nếu không sẽ không thể mang lại tài lộc, trái lại còn gặp chuyện xui xẻo.
• Khi treo tranh thần tài văn thì nhất thiết không được để mặt hướng ra ngoài cửa, chỉcó thể hướng mặt vào phía trong. Bởi lẽ thần tài văn sẽ mang tài tới, nếu mặt thần hướng vào trong thì có nghĩa là sẽ mang tiền tài vào trong nhà.
Ngược lại, mặt thần tài hướng ra ngoài cửa thì có nghĩa là thần tài sẽ mang tiền tài tới cho người ngoài, cũng chính là mang tiền của trong nhà đi.
• Khi treo tranh thần tài võ thì hướng mặt của thần tài võ lại khác với thần tài văn, tức là nên để mặt của thần tài võ hướng ra ngoài cửa. Bởi lẽ, thần tài võ là người chính nghĩa, uy thế lẫy lừng, mặt hướng ra cửa thì yêu ma sẽ không dám tới cửa.
• Tượng thần tài võ không nên đặt ở trong phòng, đặc biệt là phòng của nữ giới. Ngoài ra, mặt của thần tài võ Quan Công không thể hướng về phía Đông, cũng không nên treo tranh Quan Công cầm thanh long đao trên tường cạnh cửa chính.
• Không nên treo cả hai tranh thần tài võ trong cùng một nhà, tuy nhiên có thể treo hai tranh thần tài văn hoặc một tranh thần tài văn và một tranh thần tài võ trong cùng một nhà.