Công việc đầu tiên: xem ta có những gì trong tay? Sau khi nhận bàn giao phần thô như thế này, chủ nhà không cải tạo thì không thể sử dụng căn nhà được!
Những thiết kế kiểu này là kết quả theo mẫu số chung từ bài toán hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư cấp I chứ không theo nhu cầu sử dụng thực tế của những người có nhu cầu ở. Và vì thế, thường sau khi đi khảo sát về, KTS luôn "kêu ca" là bị stress!
Phối cảnh ban đầu của căn nhà - một kiểu cắt vải "sở trường" của các công ty may - bán hàng loạt theo số đông
Nhưng, những người có đủ khả năng sở hữu lại không thích mặc kiểu áo đó - họ có số đo riêng mà ...
Và tiếp tục dẫn đến bài toán của những người cải tạo, với khống chế là Điều lệ quản lý của khu đô thị chỉ cho phép điều chỉnh chi tiết, không được ảnh hưởng tới cấu trúc công trình.
Quan điểm ứng xử với thực tế
Mặt đứng trở nên hài hòa hơn
Để giảm chiều cao - một cách phi tỉ lệ, KTS dùng nguyên tắc thị sai cắt công trình làm 3 phần:1. Phần đế được nhấn xuống bằng vật liệu có mầu đậm, sau này sẽ lẫn với phần cây cỏ bên dưới.
2. Phần thân - phần này sẽ tác động trực tiếp lên cảm nhận thị giác: sử dụng tone nhạt và các phân vị ngang trên mặt đứng, hạn chế tối đa sử dụng chi tiết thừa thãi.
3. Mái: tránh sử dụng màu sắc & chi tiết gây chú ý - như mái tóc không đẹp thì không nên nhuộm màu vậy! Đại gia đình có ông, bà, con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại... ở trong 2 căn nhà nằm gọn trên khu đất có diện tích 600m2. Ngoài yếu tố tái tạo kiến trúc, yêu cầu quan trọng nhất là thiết lập một không gian vừa độc lập - vừa quây quần cho các thành viên trong đại gia đình mà không phải dùng đến hàng rào giữa 2 căn nhà.
Dàn lam gỗ che hàng hiên hướng Tây - Thêm phần ren ở gấu cho cái áo điệu đà tí nhỉ! Điều thành công nhất sau khi công trình hoàn thiện là hình ảnh của nó không gây tác động xấu tới cảnh quan kiến trúc đô thị và những người đi qua - họ không để ý cũng có nghĩa là thành công rồi!
Công trình đã bình tĩnh hoàn thiện và lặng lẽ xuất hiện
Lối nhỏ vào nhà
Những chi tiết đắt giáVới điều kiện ngặt nghèo là không được thay đổi kết cấu đã xây dựng, người thiết kế đã chăm chút kỹ càng đến từng góc sân, khoảng vườn, từng bức mành che... để tạo nên một không gian Á Đông, hài hòa, thích nghi với môi trường.
Góc sân & khoảng trời
Điểm nối giữa 2 hàng hiên 2 nhà - trên mặt hồ nước chính là một sàn (trong thiết kế gốc là vật liệu kính) được sử dụng như một sảnh phụ - thực ra là chính của 2 căn nhà, với lan can gỗ, mành tre, hoa súng và tiếng nước róc rách êm đềm. Không gian trong - ngoài hòa quyện nhuần nhuyễn như những ngôi nhà truyền thống.Đâu đó giữa chốn ồn ào đô thị, vẫn có một không gian hoa súng tím, tiếng nước róc rách dành cho chủ nhà uống trà với bạn bè và những bữa cơm gia đình ấm áp
Chiều dài khu đất & hàng hiên hướng tây mát rượi nhờ cây cối Hồ nước mát rượi hoa súng tím & đàn Koi lượn lờ ở nơi đáng lẽ đã là 1 hàng rào ngăn cách giữa 2 căn nhà . Một ranh giới của sự độc lập đã được đặt ra mà vẫn đảm bảo yếu tố quây quần, chung riêng hòa quyện;
Nghệ thuật phải là thứ gần gũi để mỗi sáng thức dậy, bước xuống thềm là gặp ngay như hít thở và dễ hơn đi ăn phở nữa!
Nét tinh tế của kiến trúc sư còn thể hiện từ những chỗ chọn loại cây hoa để trồng, hay mái hiên gỗ cùng mành tre giản dị. Trong những loại cây trang trí nhiệt đới, hoa giấy - miền Nam gọi là bông giấy - là thứ cây khỏe mạnh, dễ trồng, lớn nhanh và đặc biệt thích hợp với chủ nhà không có nhiều thời gian: càng ít tưới càng nhiều hoa!
Càng nắng gắt, sắc hoa giấy càng rạng rỡ
Mái hiên gỗ kính và mành tre hờ hững
View nhìn ra đường hướng Tây công trình
Bông giấy làm duyên với bông súng
Câu chuyện cuối về hòn non bộMột ngày đẹp trời, KTS nhận được 1 cuộc điện thoại: "Chú muốn công trình có non bộ".
KTS thảng thốt: "non bộ ạ?"
Trót leo lên lưng hổ, đương nhiên không thể để chủ đầu tư mời các "chuyên gia hàng đầu' ngoài phố về vừa đắp vừa bán đá.
Sau 1 ngày lục lọi khắp các hàng đá ven QL1A - Bỉm Sơn, Thanh Hóa, cục đá nặng gần 10 tấn này đã được KTS chọn để cẩu về.
Tiền cẩu đắt hơn tiền đá
Sau khi hoàn thành, chủ nhà nhận được nhiều lời khen: "Nhà này nhờ có hòn non bộ giá trị hẳn lên bác ạ!" Bài và ảnh: KTS. Nguyễn Lê Tùng
(Theo Afamily)