Gom những bông hoa nhỏ lại thành bó
Những bông hoa nhỏ xíu xinh xắn thường bị chìm khuất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong những bình hoa lớn có những bông hoa lớn và rực rỡ. Sự mỏng manh của chúng cũng khiến bạn khó xếp đặt chúng được vững chãi. Khi gom chúng lại thành những bó nhỏ (cột lại thành bó bằng dây ruy băng, dây kẽm hay là loại keo dán chuyên dùng), bạn sẽ thấy chúng tạo được ấn tượng tốt hơn.Sử dụng đế ghim
Sự xuất hiện của xốp cắm hoa đã phần nào đẩy lùi vai trò của đế ghim nhưng đừng vì thế mà bỏ quên nó. Nhiều người vẫn chuộng đế ghim hơn xốp cắm hoa. Lý do là một số cành hoa nặng và cứng có thể bị lơi lỏng khi cắm vào xốp và sau một thời gian ngắn là cành hoa bị nghiêng, đổ, phá vỡ bố cục bình hoa.
Xốp cắm hoa lý tưởng cho những giỏ hoa để tặng, nhưng nếu cắm ở nhà thì dùng đế ghim vẫn thích hợp hơn vì nó giữ cho hoa đứng chắc chắn và còn giúp hoa hút được nhiều nước hơn. Đế ghim cũng có rất nhiều màu sắc, kiểu dáng và kích cỡ.
Cành hoa duy nhất luôn là cành hoa đẹp nhất
Có ở khắp nơi những bình hoa lớn hoành tráng, được cắm phức tạp, cầu kỳ. Đôi khi cần phải có bình hoa lớn cho phù hợp với không gian, nhưng rõ ràng, khi đó người ta không thể thấy hết vẻ đẹp của từng bông hoa được.
Cách cắm hoa đơn giản luôn có vị trí riêng của nó, đặc biệt là cách chỉ một cành đơn lẻ. Một đóa hồng hàm tiếu hay một cành lan trong bình thủy tinh, một bông cúc thả trong tách trà, một bông hướng dương trong chiếc tô lớn… luôn có nét đẹp giản dị và rất tao nhã. Đã vậy, cách cắm đó cũng dễ thực hiện nhất. Không chỉ là những chiếc bình
Những chiếc bình được làm ra chỉ với hai mục đích: trang trí và để cắm hoa. Nếu muốn có sự đa dạng, chúng ta hãy nghĩ xa hơn về vật để cắm hoa. Hãy nhìn quanh và thả sức tưởng tượng, bạn sẽ thấy lọ đựng mứt, hộp trà cũ, ly uống rượu, chai rượu vang, bình rót sữa…, thậm chí một chiếc ủng cũ cũng có thể biến thành bình hoa được. Đâu có giới hạn nào trong việc chọn bình hoa!
Luôn cắt cành với dao hoặc kéo thật sắc
Sai lầm thường thấy nhất của nhiều người khi cắm hoa là cắt cành bằng dao hoặc kéo cùn, thậm chí có người còn dùng tay bẻ cho nhanh. Một vết cắt sắc cạnh cho phép cành hoa hút nước dễ dàng hơn. Ngược lại, vết cắt nham nhở có thể ngăn cản dòng nước và là nguyên nhân khiến hoa chóng héo.
Giữ bình hoa ở chỗ mát
Đôi khi, một bình hoa sẽ trở nên rực rỡ hơn khi được cắm trong bình pha lê lấp lánh và đặt ở nơi nhiều nắng. Tuy nhiên, tất cả những bông hoa sẽ chóng héo tàn trong vùng không khí nóng như vậy. Không gian càng mát mẻ thì hoa càng tươi lâu.
Vì vậy, hãy đặt bình hoa ở vị trí tránh được ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, tránh gần đèn công suất lớn, bếp lò và cả các thiết bị điện tử. Nếu buộc phải đặt hoa ở nơi hơi nóng, hãy thay nước nhiều lần và dùng nước lạnh, có thể bỏ thêm vào bình vài viên nước đá nếu muốn giữ cho hoa tươi lâu.
Hãy nhớ rằng hoa còn có hương thơm
Những loài hoa có hương thơm nhẹ trong vườn hay ở cửa hàng hoa có thể tỏa hương nồng nàn hơn trong căn phòng kín, có diện tích nhỏ hẹp. Một bình hoa lily đặt giữa bàn ăn có thể khiến các món ăn trên bàn đều có mùi lily, thậm chí có thể khiến thực khách nhức đầu. Đó là chưa kể một số loài hoa còn tỏa mùi không dễ chịu hoặc không được người khác ưa thích.
Luôn để ý đến lượng nước trong bình
Đây là yếu tố quan trọng nhưng lại thường bị lãng quên. Đừng bao giờ cắm hoa và bỏ mặc nó trên bàn suốt ngày, mà phải luôn để ý đến mực nước và chất lượng nước. Chỉ sau vài giờ, nước trong bình có thể bị cạn hoặc nổi váng. Hãy thay nước khi phát hiện ra điều đó. Tốt nhất là thay nước bình hoa tối thiểu một lần mỗi ngày.
Để có được những bình hoa, giỏ hoa hay bó hoa lộng lẫy, người ta phải sử dụng rất nhiều hoa, nhiều loại vật liệu và mất nhiều thời gian. Trên thực tế, chúng ta không có đủ thời gian rảnh rỗi để tự cắm những kiểu mẫu phức tạp đó ở nhà. Vì vậy, hãy cứ cắm hoa theo sở thích của mình, miễn là bạn cảm thấy hạnh phúc và yêu đời khi nhìn ngắm bình hoa do mình tự tạo ra trong ngôi nhà thân thuộc.
(Theo DNSGCT)