“Dạo này nhiều người đến hỏi mua cây may mắn. Loại cây này nhỏ, dáng đẹp, lại dễ trồng. Người ta cho rằng chưng nó trong nhà thì sẽ gặp nhiều may mắn”, ông Hai, người bán cây kiểng tại Q.5, TP.HCM vui vẻ nói. Cây “may mắn” có hai loại, một là cây tùng la hán và một loại cây được gọi luôn bằng cái tên “may mắn”. Hai loại cây này là cây kiểng nội thất, có dáng thấp, thích hợp chưng trong nhà.
Anh Tùng, một người chơi cây kiểng tại Q.Thủ Đức cho biết: Cây tùng la hán có xuất xứ từ Nhật Bản và Trung Quốc, thuộc họ bonsai kiểng cổ, thân mộc, có khả năng chịu hạn tốt, cứng và đặc biệt là xanh quanh năm, lá rất ít rụng. Còn cây may mắn thì thuộc họ xương rồng, được ươm trồng lần đầu tiên tại Nhật Bản (nên còn có tên gọi khác là cỏ may mắn Nhật Bản). Giống như cây tùng la hán, cây may mắn sống được trong môi trường khắc nghiệt, có hình dáng đẹp. Ông Hai tiết lộ thêm: “Cây may mắn rất được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Họ mua về để chưng trong nhà hoặc làm quà tặng cho bạn bè hoặc người thân”.
Cây tùng la hán
Tuy nhiên, theo anh Tùng: “Không phải cứ bỏ tiền ra mua cây về để trong nhà là có may mắn hay tài lộc. Cũng không phải loài cây nào có cái tên đẹp liên quan đến “tài, lộc, thọ, phước” đều mang đến những điều tương ứng”. Việc trồng cây theo phong thủy đã có từ lâu đời và có những quy tắc mà người chơi cần biết, chẳng hạn: Mỗi loại cây ứng với một vị trí trong Ngũ hành và việc phân chia này căn cứ vào màu sắc của cây. Cây thuộc hành Thủy có màu xanh thẫm, hành Hỏa có màu đỏ, hành Thổ thì có sắc vàng, hành Mộc là những loài cây màu lục; cây thuộc hành Kim thì có thân, hoa hay lá màu trắng. Anh Tùng nói: “Ngoài ra, tùy vào mối quan hệ tương sinh tương khắc trong Ngũ hành mà còn có những quy định về vị trí trồng trong nhà. Như cây đào thuộc hành Hỏa thì trồng ở phía đông của ngôi nhà để có tác dụng xua đuổi tà ma mang đến thịnh vượng”.
Màu sắc của cây kiểng cũng phải hài hòa với màu sắc của căn nhà thì sự may mắn hay phồn thịnh mới “phát” được. Còn về mặt mỹ thuật thì sự hài hòa chắc chắn sẽ tạo cho ngôi nhà thêm phần sinh động và tươi sáng. Nhà có màu sẫm hoặc hơi tối thì “dùng” cây sáng màu và ngược lại. Người xưa còn quan niệm, có cây thì phải có nước vì Thủy sinh Mộc. Chính vì vậy, chơi cây trong phong thủy thường gắn liền với tiểu cảnh hòn non bộ.
“Ngoài một số loài cây may mắn mới du nhập thì các nghệ nhân có chừng 10 loại cây khác nhau dùng trong phong thủy như: hồ lô giúp xua đuổi không khí u ám, cây khế mang đến sự phú quý, cây hạnh vận thì có tác dụng đối với những người đang cần thăng quan tiến chức… Hay cây vạn tuế, lộc vừng, sung ứng với phúc, lộc, thọ”.
(Theo Thanh niên)