Tường 2 lớp là gì?
Xuất hiện trong các ngôi nhà thời Victoria trước Thế chiến thứ 2, tường gạch 2 lớp được đánh giá là giải pháp chống nóng, cách âm và tăng tính bền khá hiệu quả. Giống như tến gọi của nó, tường 2 lớp có 2 lớp tường nằm cách nhau một khoảng nhỏ, hiệu quả cách nhiệt được đảm bảo nhờ không khí trong khe tường này. Khi ánh nắng chiếu vào tường, nhờ lớp gạch bên ngoài và lớp không khí hoặc vật liệu cách nhiệt ở giữa mà lớp gạch bên trong không bị làm nóng trực tiếp. Lượng nhiệt toả ra từ tường giảm, nhờ đó mà không gian bên trong mát hơn. Ngoài ra, tường 2 lớp còn giúp bảo vệ ngoại thất ngôi nhà khỏi những tác nhân của thời tiết, làm tăng tuổi thọ của công trình.
Cách xây tường 2 lớp
Đầu tiên xác định tường có độ dày 33cm với 2 lớp gạch lỗ 11cm. Thay vì xây bằng một hàng gạch như thông thường, 2 bức tường này được xây song song nhau, theo 2 chiều dọc ngang xen kẽ theo tỷ lệ 1:1 (1 hàng dọc, 1 hàng ngang) hoặc 5:1 (5 hàng dọc, 1 hàng ngang). Giữa 2 lớp gạch có một khe nhỏ khoảng 10cm cho không khí lưu thông làm nhiệm vụ cách nhiệt hoặc chèn vật liệu cách nhiệt thông dụng như bông thuỷ tinh, xốp PE, xốp PU, cao su non…
Kỹ thuật thi công tường 2 lớp. Ảnh: Adarchitect
Ưu, nhược điểm của tường gạch 2 lớp
Ưu điểm
Cách nhiệt: Tường gạch 2 lớp là một trong những giải pháp chống nóng được áp dụng khá phổ biến, nhất là những ngôi nhà hướng Tây và nhà xứ nóng.
Cách âm: Tường 2 lớp có độ dày trung bình khoảng 33cm, làm tăng khả năng chống tiếng ồn từ bên ngoài. Vì thế mà nhiều ngôi nhà ở đô thị đông đúc, nhà mặt đường thường xây tường 2 lớp để đảm bảo sự yên tĩnh cho không gian sống.
Tính bền: Tường gạch 2 lớp kiên cố giúp bảo vệ ngôi nhà trước các nhân tố bên ngoài, từ đó gia tăng tuổi thọ công trình.
Tính thẩm mỹ: Kỹ thuật xây tường gạch 2 lớp giúp hệ tường phẳng, ít tạo ngóc ngách ở vị trí cột nhà. Nhờ vậy mà không gian sống gọn gàng, dễ bố trí nội thất và việc lau chùi, dọn dẹp cũng dễ hơn.
Tiết kiệm: Mục đích chính của tường 2 lớp là cách nhiệt, giúp không gian bên trong mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, từ đó giảm đáng kể thời gian sử dụng các thiết bị như điều hoà, quạt hay đèn sưởi.
Nhược điểm
Chi phí xây dựng tăng cao: Thông thường, mỗi mét vuông tường gạch 2 lớp sẽ cần khoảng 100-160 viên gạch, tường một lớp chỉ cần 50-60 viên gạch, như vậy chi phí vật liệu (gạch, cát, xi măng) xây tường 2 lớp cao hơn nhiều so với tường 1 lớp.
Kéo dài thời gian thi công, tăng chi phí thuê nhân công: Xây tường 2 lớp đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và tay nghề cao, thời gian thi công cũng gấp đôi so với tường 1 lớp.
Giảm diện tích sử dụng: Tường gạch 2 lớp sẽ chiếm một phần diện tích sử dụng của ngôi nhà.
Đòi hỏi gia cố móng kỹ: Với tường 2 lớp thì khối lượng tổng thể mà móng phải gánh chịu là rất lớn, nếu không gia cố móng và xây theo kết cấu móng của nhà bình thường tương đương thì có thể gây hiện tượng sụp đổ do kiềng đà không chịu nổi. Do đó, ngay từ đầu, cần tính toán giải pháp móng phù hợp.
Khó khăn khi cải tạo, sửa chữa: Trong trường hợp phải cải tạo, sửa chữa nhà thì chọn tường gạch 2 lớp sẽ khó khăn hơn so với tường gạch 1 lớp, chi phí cải tạo vì thế cũng cao hơn.
Có nên xây tường 2 lớp không?
Qua phân tích ưu điểm, nhược điểm thì chắc chắn bạn đã có câu trả lời về việc có nên xây tường 2 lớp hay không? Tường 2 lớp mang lại rất nhiều lợi ích như cách nhiệt, cách âm, gia tăng tuổi thọ cho ngôi nhà… nhưng lại tốn kém chi phí xây dựng, chi phí nhân công hơn cách xây thông thường. Để tiết kiệm chi phí mà vẫn đạt được hiệu quả chống nắng nhất định, gia chủ có thể thi công kết cấu tường 2 lớp cho phần tường ở phía Tây, chịu nắng chiếu trực tiếp, mặt tường gần đường lớn, gần những không gian như phòng karaoke. Với phần tường không nằm ở Tây và được che mát bởi các công trình lân cận thì có thể xây một lớp để tiết kiệm chi phí tổng thể.
(Tổng hợp)
>> 5 giải pháp chống nắng hiệu quả cho nhà hướng Tây