Có rất nhiều gia đình ký hợp đồng mua nhà chung cư, từ những dự án xây dựng vào năm 2007, nhưng đến nay vẫn không hề nhận được nhà. Trao đổi với Pv, Chị Hải Yến, khách hàng mua căn hộ tại dự án 584 Tân Kiên (H.Bình Chánh) cho biết, chị đã ký hợp đồng mua năm 2008 và thời hạn giao nhà là năm 2010, số tiền đã thanh toán lên đến 90% nhưng khi đến giai đoạn hoàn thiện dự án đã ngừng thi công suốt từ đó đến nay. Sau khi kiện ra tòa, từ sơ thẩm đến phúc thẩm thì tòa xử thắng nhưng 584 không trả tiền mà họ tìm mọi cách để trì hoãn.
Mới đây, hơn 20 khách hàng mua căn hộ tại dự án này tiếp tục gửi đơn kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết. Được biết, năm 2011, Công ty 584 đã làm công văn xin chuyển đổi chung cư thành bệnh viện và thỏa thuận đền bù với khách hàng để thanh lý. Tuy nhiên, đến nay, việc đền bù vẫn chưa được tiến hành, công trình vẫn bất động, khách không nhận được nhà và kế hoạch chuyển công năng vẫn giậm chân tại chỗ.
Khi cơn sốt BĐS qua đi, nhiều dự án nằm "đắp chiếu"
Tương tự, dự án Petro Vietnam Landmark (quận 2, Tp.HCM) cũng bỏ hoang nhiều năm và trở thành điểm nóng tranh chấp. Nhiều trường hợp khách hàng mua nhà lâm vào cảnh nợ nần, gia đình xáo trộn khi nhà chưa có mà tiền lãi ngân hàng tháng nào cũng phải đóng. Gần đây, dự án đã có dấu hiệu tái khởi động sau thời gian dài đấu tranh quyết liệt của khách hàng.
Dự án Cao Ốc Xanh (quận 9, Tp.HCM) cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Năm 2007, khi thị trường địa ốc đang ở đỉnh cao cơn sốt, dự án bắt đầu được thi công, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang. Đa số khách đã nộp tiền 70 - 95% giá trị căn nhà, ngoại trừ block C của dự án đã được bàn giao, tiến độ của block A và B vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Cuối năm 2015, đại diện chủ đầu tư đứng ra nhận lỗi với khách hàng và cho biết nguyên nhân chậm tiến độ là vì trục trặc nội bộ giữa nhà thầu, chủ đầu tư và ngân hàng. Doanh nghiệp này đã đưa ra cam kết gửi tiến độ thi công block A và B dự án Cao Ốc Xanh cho khách mua nhà và quý III/2016 là thời điểm bàn giao nhà. Đã gần 10 năm, nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành như thiết kế ban đầu.
Tại chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức), sau nhiều năm đắp chiếu, khách hàng mới phát hiện chủ đầu tư đã bán trùng căn hộ cho nhiều người. Một nạn nhân của dự án cho hay, cuối năm 2010, vợ chồng chị quyết định bán căn hộ chung cư ở Thanh Đa để mua nhà mới. Căn hộ bán được gần 1 tỷ, đủ để mua 1 căn hộ tại chung cư Gia Phú và số tiền còn lại, chị thuê nhà trọ ở tạm trong thời gian chờ chung cư xây xong.
Chị đã đóng gần đủ toàn bộ số tiền cho chủ đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, đầu năm 2014, khi dự án gần hoàn thành phần thô, gia đình chị phát hiện căn hộ của mình đã bị mang bán cho người khác. Việc này đã khiến cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, dự án vẫn chưa hề có lối thoát. Khách hàng kiện chủ đầu tư ra tòa, dù thắng kiện nhưng cũng chưa đòi được tiền.
Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nhiều doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật, trong khi khách hàng bị yếu tố tâm lý chi phối nên thiếu đánh giá về năng lực, uy tín của chủ đầu tư. Thêm vào đó, những vụ việc tranh chấp, dự án chậm tiến độ hiện nay, phần lớn là hậu quả của giai đoạn thị trường BĐS phát triển quá nóng, hồi 2007. Đây cũng là bài học còn giá trị mà khách hàng cần lưu ý để tránh rủi ro khi mua nhà.