Với công nghệ mới, khả năng chịu tải của móng nhà cao hơn và thời gian thi công nhanh hơn rất nhiều.
Công nghệ Speedy deck sẽ được các nhà thầu lựa chọn
Công nghệ này được các nhà khoa học đặt tên là Speedy deck. Đây là sản phẩm tiếp nối trong loạt công nghệ ứng dụng kết cấu không gian vào xây dựng của cùng nhóm tác giả này nghiên cứu, chế tạo. Trước Speedy deck đã có loại kết cấu mái nhà cho các công trình Nhà biểu diễn xiếc cá heo ở Tuần Châu (Hạ Long), sân Thiên Trường (Nam Định), Nhà thi đấu Quần Ngựa (Hà Nội)... nhưng công nghệ còn hạn chế.
Thạc sĩ Đỗ Đức Thắng, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, bản chất công nghệ của Speedy deck là những tấm khung ghép. Tấm khung này làm từ tấm tôn mạ kẽm tạo sóng, được hàn bên trên với một dầm rỗng bằng thép tròn, tiết diện hình tam giác. Một tấm rộng 60 cm, dài 4-6 mét, có 2 dầm, nặng khoảng 30-40 kg, phù hợp cho việc vận chuyển, lắp ráp. Khi thi công, người ta sẽ móc các tấm này với nhau tạo thành một bề mặt rộng, gối lên hai đầu tường nhà. Ở giữa hai dầm đặt một hộp nhựa rỗng tái sinh (nhằm tạo khoảng trống trong bê tông, giảm tiêu thụ bê tông, từ đó giảm khối lượng sàn). Sau cùng, bê tông được phủ bên trên toàn bộ bề mặt. Những tấm khung này được chế tạo tự động tại một nhà máy sau đó, người ta chỉ cần ghép chúng lại với nhau tạo thành một mặt phẳng, tuỳ theo yêu cầu sử dụng. Như vậy, công nghệ này đã kết hợp được việc sản xuất tự động theo một quy trình nhất định nên cho ra hàng loạt sản phẩm, từ đó sẽ hạ giá thành. Ông Thắng cho biết, hiện nay mới chỉ có Hàn Quốc và Trung Quốc có công nghệ tương tự. Song ông Thắng khẳng định, về mặt công nghệ chúng ta không thua kém, thậm chí về mặt giá thành, công nghệ “made inViệt Nam” có giá chỉ bằng 20% dây chuyền tương tự của nước ngoài.
Chính vì được làm từ tôn nên tấm ghép có trọng lượng rất nhẹ, bằng 70- 80% trọng lượng bê tông với cùng diện tích. Nhờ vậy, với cùng một cấu trúc móng, cứ 2 tầng nhà xây theo cách truyền thống thì tương đương với sức nặng của 3 tầng nhà xây bằng Speedy deck. Mặt khác, do không cần dùng gỗ kê chèn và tốn nhân công đổ mái, mỗi mét vuông kiểu sàn mới rẻ hơn khoảng 300.000 đồng /m2 so với cách thông thường.
Nhẹ như vậy nhưng nhóm nghiên cứu khẳng định, nó có độ cứng, độ bền rất cao. Lý do, chất liệu tôn kết hợp với dầm thép sẽ tạo nên cấu trúc lý tưởng về độ cứng của bê tông. Để khẳng định về chất lượng công nghệ, nhóm nghiên cứu đã mời các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Công nghiệp Bộ Xây dựng kiểm định chất lượng của 500 m2 sàn tại số nhà 109 đường Trường Chinh, Hà Nội. Kết quả cho thấy, khi tải trọng ở mức tối đa cho nhà dân dụng (400 kg/m2) thì công nghệ đã vượt tiêu chuẩn khắt khe nhất 11 lần về độ võng của nền nhà. Tuy nhiên, theo ông Thắng, ưu điểm nổi bật của sản phẩm là khả năng thi công rất nhanh. Một ngày, công nghệ này có thể hoàn tất đổ nền bê tông cho 3 tầng nhà trong khi đó cũng với diện tích như vậy, công nghệ đổ mái truyền thống phải mất 15 ngày. Hiện tại, với công nghệ Speedy deck, mỗi ca sản xuất có thể cho ra 1.000 m2 sàn nhà, tương đương diện tích một tầng nhà trung bình.
Một nhược điểm là với cấu trúc như hiện nay, sàn Speedy deck chỉ chịu lực được theo một phương. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đang cải tiến để nó có thể làm việc được theo cả hai phương, và thay thế lớp tôn lót bằng bê tông. Được biết, trong thời gian tới, công nghệ Speedy deck sẽ được một số nhà thầu lựa chọn để xây dựng các khu nhà ở cho người có thu nhập thấp.
(Theo ĐĐK)