Khi gọi thợ đến lắp hệ thống bình năng lượng mặt trời vào tuần trước, anh Quang (Gò Vấp, Tp.HCM) nhờ họ đập luôn 3 chiếc bồn tắm trong nhà vệ sinh. "Tôi hỏi mấy người thân, bạn bè để cho mà không ai lấy, thuê thêm tiền cho người ta để chở đi mà họ còn không thèm, nên đành đập thôi", anh Quang cho biết.
Chủ nhà kể, khi xây ngôi nhà phố 4 tầng gồm 6 phòng ngủ này vào 8 năm trước, anh quyết định lắp 3 bồn tắm ở 3 phòng vệ sinh các tầng trên. Bồn ở hai tầng dưới là loại thường, tốn 8 triệu/chiếc, riêng phòng vệ sinh ở tầng trên cùng của hai vợ chồng là bồn sục massage, giá khi đó là 24 triệu.
Anh Quang giải thích: "Hồi đó, thỉnh thoảng đi nghỉ dưỡng, ở khách sạn sang, vợ chồng tôi mê ngâm mình trong bồn lắm nên muốn biến nhà mình cũng giống vậy".
Khi khởi công, đã có người khuyên anh Quang chỉ nên lắp 1-2 bồn cho có, không nên tham. "Tôi thấy thế không được. Bố mẹ già cũng có nhu cầu ngâm nước nóng, chăm sóc sức khỏe. Hai cô con gái lớn lên chắc chúng nó cũng thích thư giãn, nên không thể chỉ có một cái", anh cho biết.
Vậy nhưng, từ khi có bồn tắm, chẳng mấy ai ngó đến, trừ chiếc bồn trong phòng riêng của vợ chồng anh được sử dụng vài lần. Bố mẹ anh không muốn xả nhiều nước tốn kém, lại cũng không thích nằm ngâm bồn nên chỉ tắm đứng. Hai cô con gái lúc nhỏ luôn bị mẹ giục tắm nhanh vì sợ nghịch lâu nhiễm lạnh, lớn hơn chút thì các con bận chuyện học hành nên gần như không đụng tới bồn.
"Vợ chồng tôi đúng là có thắp nến, thả hoa lãng mạn được một lần. Sau đó thấy chuẩn bị kích rích quá, lại cũng do công việc cuốn đi, nên hầu như chẳng tắm chung bao giờ mà tắm riêng thì cũng không ai cần", anh Quang kể lại.
Nhiều gia chủ quyết định đập bỏ bồn tắm sau một thời gian lắp đặt
vì ít khi sử dụng. Ảnh minh họa: 5geo.
Cũng theo lời kể của anh Quang, bồn sục không chỉ chiếm phần diện tích, mà còn phải lắp thêm một chiếc máy bơm. Vì không dùng một thời gian dài nên có lần, khi định sử dụng thì máy bơm đã hỏng từ bao giờ, anh Quang lại mất thêm tiền sửa chữa.
"Mấy chiếc bồn 3 - 4 năm nay vô dụng. Gỡ bỏ thì tiếc tiền mà để thì vướng. May nhà có người giúp việc lo lau dọn, chứ không riêng việc thỉnh thoảng phải chà trong chà ngoài cũng hết hơi", anh nói.
Tương tự, nhiều gia đình khác cũng thích đặt bồn tắm trong nhà vệ sinh để thỉnh thoảng ngâm mình thư giãn, nhưng đến khi có thì rất ít dùng, có khi bỏ xó.
Anh Trần Trung ở Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, sau khoảng 6 tháng lắp chiếc bồn tắm 10 triệu, anh nhận thấy khoản chi này không đáng. "Đây là một vòng luẩn quẩn. Chúng ta luôn bận rộn, dễ mệt mỏi nên muốn trang bị thứ để thư giãn tại nhà. Nhưng cũng vì nhịp sống quay cuồng nên chẳng thể dành ra cả nửa tiếng để nằm thư thái mà tận hưởng", anh Trung nhận xét. Dù đã lắp bồn tắm từ hơn một năm trước, nhưng tính ra 4 người trong nhà anh Trung mới dùng chưa quá 5 lần.
Theo kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải, Tp.HCM, cách đây khoảng chục năm, nhiều gia đình khá giả rất thích lắp bồn tắm. Nhưng khoảng 5 năm gần đây, những gia đình này lại muốn phá bỏ bồn tắm nằm, thay vào đó là khu tắm vòi sen bằng vách kính.
Sở dĩ các gia đình muốn phá bỏ bồn tắm nằm, theo ông Hải là vì có nhiều phiền phức đi kèm:
- Tắm bồn tốn nước hơn, để ngâm cả người phải tốn nửa khối nước, xả trong vòng ít nhất 5 phút.
- Bồn có chiều dài tối thiểu 1,5 m nên chiếm nhiều diện tích, gây vướng.
- Cần phải dành nhiều thời gian hơn để tắm bồn, ít nhất 20 - 30 phút.
- Mất thêm thời gian cọ rửa toilet khi có bồn tắm.
- Với bồn sục massage, phải trang bị thêm máy bơm và phải bảo trì thường xuyên, nếu không dễ hỏng hóc.
Kiến trúc sư Hải cho biết, sắm bồn tắm cũng khá tốn kém (thường là 8-15 triệu đồng/chiếc, bồn sục massage khoảng 20-30 triệu đồng trở lên) nhưng nếu không dùng nữa cũng chẳng bán lại được cho ai, cho cũng không ai ham nên đa phần phải đập bỏ. "Trong thiết kế phòng tắm hiện nay, tâm lý mọi người ngày càng coi trọng tính tiện lợi. Đa số gia chủ bây giờ lựa chọn lắp vòi sen có vách kính để khi tắm nước không bắn tung tóe ra ngoài, vừa giữ khô ráo khu toilet, vừa tiết kiệm thời gian công sức cọ rửa cả khu vệ sinh". Do đó, theo kiến trúc sư Hải, các gia chủ cần lưu ý cân nhắc kỹ lợi ích, tính hữu dụng trước khi định lắp đặt các thiết bị đắt tiền, chiếm diện tích. "Không nên mua một thứ đặt cố định trong phòng tắm chỉ để cả năm mới dùng vài lần", ông khuyên. |