Từ tháng 2/2011, TCty Công nghiệp ximăng Việt Nam (Vicem) được phép điều chỉnh giá bán ximăng tăng thêm 60.000 đồng/tấn. Còn Hiệp hội Thép VN (VSA) cũng thẳng thắn nhận định: Tăng giá thép là việc các DN cạnh tranh vừa làm, vừa trông nhau, nhưng không thể không tăng vì giá thế giới tăng cao vượt quá khả năng chịu đựng của DN trong nước.
Ximăng tăng thêm 60.000đồng/tấn. Ảnh: TTXVN |
Giá đầu vào tăng mạnh
Hiện nhiều DN ximăng đã điều chỉnh giá tăng theo tín hiệu tăng giá đầu vào. Giá bán ximăng tại các nhà máy đang ở mức 960.000-1,4 triệu đồng/tấn tùy loại và tùy khu vực. Đại diện Hiệp hội Ximăng Việt Nam khẳng định, mức điều chỉnh giá lần này tương đương tăng khoảng 5-6% là có thể chấp nhận và sẽ không làm ảnh hưởng nhiều tới thị trường. Đại diện một số DN cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, do giá than bán vào các hộ sản xuất ximăng tăng gấp 2 lần so với trước; giá điện, xăng dầu và một số chủng loại vật tư cho sản xuất biến động mạnh khiến giá thành ximăng bị đội lên. Tính ra, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đã tăng thêm khoảng 1,5 lần, trong khi giá bán ximăng từ quý I/2008 đến quý IV/2010 mới tăng khoảng 15%. Do thị trường ximăng đã cân đối được cung - cầu trong nước và dư thừa, nên các DN muốn tăng giá mạnh cũng không được.
Một quan chức Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thừa nhận, năm nay nguồn cung ximăng có khả năng lên tới 55 triệu tấn, tăng khoảng 4 triệu tấn so với năm ngoái, nhưng giá bán rất cạnh tranh, vì các DN đều không muốn thị phần rơi vào tay “đối thủ”. Điều này chỉ có lợi cho người tiêu dùng. Năm ngoái, giá chưa tăng mạnh như năm nay, nhưng thị trường đã tồn kho tới 2,2 triệu tấn ximăng và clinker. Điều đáng nói là trong số này, riêng Vicem tồn kho lên tới 1,6 triệu tấn. Bởi vậy, động thái tăng giá lên 60.000 đồng/tấn có thể nói là mức độ khá thận trọng, có tính đến sức chịu đựng của thị trường và bù đắp phần nào sự thua thiệt do giá đầu vào tăng.
Tương tự, sự “sốt nóng” của DN ngành thép được lý giải cũng là do giá thế giới tăng đột biến. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép VN Phạm Chí Cường: “Giá nhập khẩu phôi thép thế giới đã lên tới 685-690 USD/tấn. Ngay cả sắt thép phế, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phôi trong nước cũng tăng lên 560 USD/tấn; vì vậy, tính ra giá sắt thép phế nhập về cộng với phí vận chuyển đã vào khoảng 15 triệu đồng/tấn. Từ đó, giá bán 1 tấn thép thành phẩm sản xuất trong nước đã lên tới 16-16,5 triệu đồng/tấn (bán tại nhà máy). Đó là chưa kể chênh lệch tỉ giá USD khi các DN đều phải mua với mức giá thị trường tự do lên tới 21.500 đồng/USD để thanh toán cho các hợp đồng NK nguyên liệu”.
Khó ghìm giá?
Khảo sát tại một số cửa hàng vật liệu xây dựng tại Hà Nội ngày 10/2, giá thép xây dựng hiện đã vào mùa nên bắt đầu nhích lên đáng kể. Theo các chủ cửa hàng trên đường Đê La Thành, đường Láng và một số đại lý độc quyền thép của Cty gang thép Thái Nguyên, Cty thép Việt - Ý..., giá bán phổ biến thép xây dựng đều ở mức trên dưới 17 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, trên trang web của TCty Thép VN (VNSteel), giá bán thép của Cty thép miền Nam vẫn được niêm yết ở mức 14,95 triệu đồng/tấn với thép cuộn phi 6, phi 8 và thép thanh định hình. Tuy nhiên, sức mua của thị trường không hề giảm. Thông tin từ VNSteel (trụ sở phía nam) cũng cho biết, đơn vị này vừa điều chỉnh tăng giá bán thép thêm 400.000đ/tấn cho cả hai loại thép cuộn và thép cây. Theo đó, giá thép cuộn giao tại nhà máy của VNSteel ở mức 16,467 triệu đồng/tấn, thép cây 16,797 triệu đồng/tấn. Điều này cho thấy, giá thép sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới ngay trong tháng 2 này, trong khi sức mua không hề giảm.
Ông Cường cũng cho biết, do nhu cầu tiêu thụ sắt thép trên thế giới đã qua thời kỳ ảm đạm đang gia tăng, nên dự báo vào đầu tháng 3 tới, thị trường thép sẽ khó có thể giảm nhiệt. Mức tăng khá mạnh, khoảng 300.000 - 500.000đ/tấn tùy thuộc hoàn toàn vào giá nguyên liệu cũng như tình hình tiêu thụ. Với mặt hàng ximăng, dự báo của các doanh nghiệp, thị trường sẽ còn tiếp tục “nóng”, nhưng tốc độ tăng giá sẽ được kiềm chế.
Chấn chỉnh việc cấp GCN đầu tư dự án thép ở địa phương Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu UBND các địa phương, ban quản lý các khu kinh tế, KCN thực hiện nghiêm túc quy hoạch phát triển ngành thép đã được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá, xem xét từng dự án để thu hồi GCN đầu tư các dự án không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết mà không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ, tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho các thiết bị sản xuất thép làm căn cứ pháp lý trong việc xem xét, thẩm định cấp GCN đầu tư và tăng cường công tác quản lý các dự án. Được biết, thời gian vừa qua, một số dự án thép được cấp phép, đưa vào triển khai, song cơ quan quản lý địa phương là các sở công thương không hề biết. Nguyên nhân của tình trạng này là sự phối hợp trong công tác quản lý, cấp phép của các cơ quan ở địa phương chưa chặt chẽ. |
(Theo Lao Động)