Xin quý báo giải đáp giúp tôi vấn đề này, vì hiện gia đình tôi chuẩn bị xây nhà mới nhưng chưa xác định được nên làm theo quan điểm nào: ráng đầu tư một lần cho hoành tráng hay là làm đơn giản, đến đời con sau này có điều kiện thì cải tạo lại.
Trần Tuấn Hùng, Bến Cát, Bình Dương
Cha ông ta hay nói "ăn chắc mặc bền" và hiện nay cũng không ít người làm nhà theo tinh thần đó, làm một lần là ở vậy hoài luôn. Thế nhưng tôi thấy ngôi nhà hiện đại chỉ khoảng vài ba năm là thấy muốn thay đổi, thấy bị lỗi mốt. Hoặc khi làm nhà mình có chi phí ít rồi sau này muốn "tân trang" nhà cho đẹp cho mới hơn thì việc làm đó có sợ bị ảnh hưởng gì đến phong thuỷ không?
Du Đình Lục, P.10, Q. Tân Bình, Tp.HCM.
Trả lời:
Quan niệm truyền thống luôn xem trọng yếu tố liên kết chặt chẽ ngôi nhà với bao cảnh chung quanh, không lấn áp thiên nhiên để tồn tại cùng các biến đổi của môi sinh. |
Lâu nay thường có những nhập nhằng, phân biệt khái niệm nhà bền về mặt cấu trúc xây dựng và "bền lâu" về mặt phong thuỷ, hậu vận. Các thông tin về vật phẩm phong thuỷ trấn yểm tư dinh của đại gia, hay đồn đại về lâu đài này, biệt thự nọ tiêu tốn xa hoa với những phù hiệu mang màu sắc mê tín, dù chỉ là cá biệt, nhưng cũng khiến nhiều người cho rằng nhà muốn tốt về phong thuỷ thì phải cầu kỳ, hoặc phải sửa sang đúng phép tắc. Thực ra, đó chỉ là những điều kiện xuất phát khác nhau của vấn đề quan tâm chăm chút nhà cửa, chứ văn hoá Việt với nếp ăn ở hài hoà tự nhiên của cha ông ta truyền lại chưa bao giờ đề cao chuyện tốn kém làm nhà cho đẹp thì mới là tốt về phong thuỷ cả.
Nhà bền còn do yếu tố phong thuỷ được giữ gìn đúng mức tuỳ theo từng giai đoạn cư trú và nhân khẩu cụ thể để nội khí trong nhà không hao tán, không suy thoái theo thời gian sử dụng. Ở đây vai trò của gia chủ tối quan trọng, bởi chính họ là người khởi đầu ý tưởng làm nhà và trực tiếp sử dụng công trình, nhà chuyên môn chỉ hỗ trợ khi cần thiết.
Bao nhiêu là bền?
Sử dụng cấu trúc ngăn chia nhẹ đem lại hiệu quả linh hoạt khi cần thay đổi không gian mà không ảnh hưởng đến phần khung của nhà. |
Ngôi nhà hiện đại có đặc điểm là bị biến đổi nhanh theo thời gian. Một phần là do tác động của môi trường chung quanh (ngoại cảnh), một phần là do chính bản thân gia chủ còn dễ dãi, tuỳ tiện trong quá trình sử dụng và bảo trì. Vì thế, lúc gia chủ dọn vào ở và sử dụng ngôi nhà – xét về phong thuỷ – chính là lúc họ bắt đầu thích ứng và tự điều chỉnh trong trang hoàng nhà cửa mua sắm vật dụng. Bao nhiêu là đủ, là bền? Tinh thần kiệm trong kiến trúc truyền thống Việt Nam cho ta câu trả lời: những không gian thuần khiết, thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên, tiết chế về màu sắc và vật liệu, ít ngăn chia… luôn đem lại một môi trường sống đủ độ hài hoà và vững bền theo thời gian cả về nghĩa đen (vật chất) lẫn nghĩa bóng (sự ổn định, ít bị lỗi thời). Ta biết tuổi thọ công trình – cũng như con người – luôn có giới hạn nhất định. Quá trình sử dụng cho gia chủ nhận ra nhược điểm của ngôi nhà ở đâu, thấy được các thời điểm nhà dễ hư hại để khắc phục. Ví dụ nhiều nhà làm lúc đầu không có ôvăng che mưa tạt, không có mái đón phía trước cổng, sau thời gian sử dụng thấy bất cập phải bổ sung. Những điều này hợp với lẽ tự nhiên, không việc gì phải lo lắng, miễn sao đừng phá vỡ cấu trúc và thẩm mỹ của nhà, đừng thành tình trạng cơi nới chắp vá.
Khéo giữ nội khí bền lâu
Ngay từ xưa khi chưa có các kỹ thuật hiện đại, cha ông ta đã truyền đạt lại nhiều kinh nghiệm về chỉnh trang – bảo trì nhà cửa qua một số đúc kết sau:
Một không gian cải tạo từ gian áp mái tuy nhỏ nhưng rất tiện dụng, đơn giản và thẩm mỹ. |
- Tránh không ảnh hưởng đến hệ kết cấu của ngôi nhà. Có thể sơn phết, thay đổi màu sắc, gia cố hoặc thay mới các chi tiết bị cũ hay bị hư hỏng. Nếu có nhu cầu lên tầng hay mở rộng thì cần phải nghiên cứu kỹ hệ kết cấu hiện hữu, hoặc dùng kết cấu nhẹ. – Khi nhà có khuôn viên, cần hoạch định đất dự trữ phát triển sau này (dùng để ở, kinh doanh, cho con cái ra riêng…) để tránh tình trạng "đất rộng mà nhà chật" do phải cơi nới, ảnh hưởng đến bố cục và việc phân cung – điểm hướng vốn có.
- Khi sửa chữa bảo trì, cần lưu ý những phần trên cao và đằng sau (tu sơn) làm trước để bình ổn chỗ dựa. Căn cứ theo trung cung của nhà để biết các khu vực trước sau, từ đó đề ra giải pháp phù hợp. Những hướng thường xuyên chịu tác động xấu của thời tiết (nắng gắt, mưa, ẩm) nên chú ý bảo trì, che chắn nhiều hơn.
- Khi gắn thêm thiết bị (máy lạnh, quạt hút…) cần xem xét sự ảnh hưởng của chi tiết đến toàn thể. Tốt nhất là các chi tiết được dự trù từ đầu để khi bảo trì sẽ thuận lợi và giảm bớt tác động vào ngôi nhà (như đục tường, nối đường ống…) Cũng có thể làm thêm các chi tiết phụ để giúp hệ thống trang thiết bị hài hoà hơn với nội khí nhà.
Tóm lại, nên xác định ngôi nhà hài hoà và bền lâu về phong thuỷ cần có cả một quá trình chăm chút lâu dài, sửa chữa khi thấy cần thiết, và luôn lấy tinh thần xây nhà và sửa nhà hợp lý, giản dị làm gốc.
(Theo SGTT)