Lên mạng còn hoa mắt hơn nữa, các nhãn hiệu nội thất, chương trình khuyến mãi, hình ảnh quảng cáo tràn ngập đem lại cảm giác dường như chỉ cần bỏ tiền ra là “thượng đế“ sẽ có ngay những căn phòng, ngôi nhà nội thất lung linh. Thực sự quá trình chọn lựa nội thất không đơn giản là chọn và rinh về nhà, cũng như đi ăn buffet cũng phải biết cách, để tránh tình trạng bụng đã no mà mắt vẫn đói, thiếu hiệu quả, thừa bề bộn cho nhà mình.
Mô hình các quán càphê nội thất, càphê lifestyle góp phần giúp khách hàng chọn lựa được đồ nội thất phù hợp với cá tính và phong cách sống của mình. |
Chọn món ăn
Đặc điểm cơ bản của loại hình ăn buffet là có rất nhiều món cho khách hàng lựa chọn tuỳ thích và ăn thoải mái đến no. Nhưng dung tích của bao tử luôn có hạn nên người ăn phải biết lựa chọn những món ăn phù hợp với mình nhất. Việc trang trí nội thất nhà ở cũng tương tự, người tiêu dùng có thể được nuông chiều cảm giác “thèm thuồng” nhưng phải đủ tỉnh táo lựa chọn những dịch vụ – sản phẩm phù hợp. Khác với kiến trúc nhiều quy định ràng buộc khắt khe, việc trang trí nội thất (hiện nay, trong điều kiện Việt Nam, tại các công trình tư nhân nhỏ lẻ) hầu như chẳng có quy định hay quy chuẩn cụ thể nào để hướng dẫn người tiêu dùng và các bên liên quan phải tuân thủ. Lý do viện dẫn đơn giản nhất là bởi đây thuộc lĩnh vực thẩm mỹ, tuỳ ý mỗi người, tuỳ túi tiền, tuỳ thời điểm... Lâu ngày tư duy đó thành thói quen khiến cho người tiêu dùng nội thất thường có góc nhìn không đầy đủ về lĩnh vực nội thất. Có những khác biệt và giới hạn giữa kiến trúc và nội thất mà người tiêu dùng, các gia chủ, thậm chí người chuyên môn nữa cần phân biệt trong các giai đoạn làm nhà:
• Phần hoàn thiện: bao gồm phần tô hồ, sơn nước, lát gạch, gắn cửa, thiết bị vệ sinh… nhiều người hay lầm tưởng là phần nội thất nhưng thực ra đây chỉ là phần hoàn thiện căn bản về mặt xây dựng, nó thuộc hạng mục kiến trúc, đảm bảo cho người tiêu dùng những tiện nghi cơ bản để có thể vào ở được. Phần này liên quan đến nhà thầu xây dựng, bản vẽ kiến trúc chi tiết.
• Phần nội thất cố định: có thể kể ra những hạng mục mang tính kỹ thuật được lắp đặt cố định để trang trí hoặc mang lại thêm những tiện ích cho gia chủ như vách ngăn trang trí, tủ quần áo âm tường, kệ bếp, trang bị âm thanh cho phòng nghe nhạc… nhưng không thuộc phần xây dựng hoàn thiện kể trên mà cũng không phải đồ nội thất rời. Phần này liên quan đến một số thầu phụ, bản vẽ kỹ thuật chuyên ngành.
• Phần nội thất rời: bao gồm toàn bộ hạng mục đồ nội thất có thể di dời được như giường, tủ, bàn, ghế… cho đến rèm cửa, thảm, đèn trang trí (đèn chiếu sáng cơ bản thì nằm ở hai phần trên). Phần này liên quan đến mua sắm của gia chủ, có đóng góp ý kiến của nhà tư vấn – thiết kế nội thất thì càng tốt. Tuy nhiên, kiến trúc sư thiết kế vẫn nên là người xâu chuỗi các quá trình từ thô đến tinh, bởi có thể mua được sản phẩm của những nhà thiết kế danh tiếng toàn cầu nhưng đưa vào ngôi nhà cụ thể lại khác. Ví dụ chọn một mẫu ghế thuộc dạng “huyền thoại qua mọi thời đại”, nhưng không phải không gian nào cũng kê chiếc ghế đó được.
Khi không gian kiến trúc cơ bản có tính toán hợp lý về chất liệu, ánh sáng... thì việc trang trí nội thất sẽ trở nên thuận lợi và có sự kiểm soát tốt hơn. |
Đa phần các gia chủ thường hay nhầm lẫn giữa các phần việc nêu trên trong quá trình hoàn thiện ngôi nhà của mình. Thực tế đôi khi ngân sách hạn hẹp, thời gian gấp rút cũng khiến các gia chủ dù biết rõ nhưng đành phải bỏ bớt một vài công đoạn trong phần trang trí nội thất, tương tự như ăn tạm cho đủ no, chọn lựa tinh tế thì đành để tính sau vậy...
Chọn đầu bếp
Một điểm hấp dẫn của loại hình ăn buffet là khách ăn có thể quan sát cụ thể việc chế biến, trình bày của một số món ăn, thậm chí của cả thực đơn hôm đó. Nhà hàng có đầu bếp giỏi ắt thu hút khách hơn. Vậy nên, khi chọn lựa nội thất người tiêu dùng cũng phải cân nhắc xem nên chọn “đầu bếp” nào phù hợp với gu mình nhất. Và dĩ nhiên, người nội trợ giỏi chưa chắc biết làm đầu bếp cho khách ưng ý, thậm chí khách nên nói cho đầu bếp biết gu thưởng thức của mình để gia giảm, nêm nếm kịp thời.
Do không có những quy định cụ thể về hành nghề trang trí nội thất nên dẫn đến một tình trạng khá hài hước là ai cũng có thể trở thành nhà trang trí nội thất được, có lẽ cũng bởi làm đẹp cho ngôi nhà của mình là quyền cá nhân của mỗi gia chủ, đôi khi trở thành thú vui của ai đó có năng khiếu và điều kiện. Nhà thiết kế nội thất được đào tạo chính quy và làm việc chuyên sâu hiện nay thật sự không nhiều trong khi lĩnh vực này lại khá ăn khách trên thị trường xây dựng. Tình trạng này dẫn đến việc có nhiều nhà thiết kế nội thất xuất hiện bất đắc dĩ, hoặc làm vài công trình bỗng biến mất một cách... bất đắc kỳ tử do tính nhập nhằng mù mờ của chức danh này. Họ có thể là chị kiến trúc sư, anh kỹ sư xây dựng, ông thầu khoán, cô chủ tiệm bán đồ nội thất... hay thậm chí là các vị gia chủ từng xây nhà khoảng hai lần là thừa tự tin xông vào giành việc với các nhà thiết kế chuyên nghiệp! Điều này tương tự như một người mẫu biết ăn mặc có gu sẽ mon men mở tiệm bán quần áo, tiếp đến là tư vấn cho khách hàng về chọn đồ, mix đồ, thậm chí có thể “nhảy vọt” làm giám khảo cuộc thi thời trang nào đó!
Dù không ai cấm và biết đâu cô ta lại thành công, nhưng rõ ràng là khách hàng dễ dãi sẽ góp phần dẫn đến tình trạng ai cũng có thể trở thành nhà tư vấn – thiết kế nội thất.
Tất nhiên, thực tế nếu gia chủ muốn có được một sản phẩm thiết kế nội thất chất lượng từ ý tưởng ban đầu đến thi công sau cùng thì nên chọn một cá nhân (có nhóm thiết kế đằng sau) hoặc công ty chuyên về thiết kế nội thất để làm việc một cách bài bản. Không đơn giản là nhìn mấy góc phối cảnh mướt mắt là nhà mình sẽ “lên” được như vậy, mà luôn đòi hỏi thiết kế nội thất phải có sự rạch ròi về chi tiết, kiểm soát dự toán và khai triển cấu tạo đặc thù. Những nhà thiết kế ít liên quan đến cung cấp vật tư, bán sản phẩm nội thất hay thầu thi công nội thất sẽ có tính độc lập sáng tạo tốt hơn, có thể tập trung vào chuyên môn không bị chi phối bởi việc kinh doanh “cơm áo gạo tiền”, cho dù họ có là nhân sự của một công ty, nhãn hiệu nội thất nào đó.
Không gian nội và ngoại thất luôn cần có sự liên thông tốt với nhau, một nội thất đẹp không thể thiếu với không gian thiên nhiên bên ngoài. |
Chọn giá tiền
Tuỳ mức độ đầu tư mà chi phí cho “tiệc buffet” nội thất có thể cao thấp khác nhau, nên biết mình muốn gì để chọn món phù hợp, tránh hao tốn vô ích. Trong khi chi phí đầu tư cho phần thô hay phần xây dựng cơ bản thường ít chênh lệch trên mặt bằng giá chung thì chi phí đầu tư cho phần trang trí nội thất giữa nhà này nhà kia có thể khác nhau một trời một vực. Nói nôm na là gần như không có giới hạn trong việc đầu tư trang trí nội thất! Tiền ít thì làm đơn giản, tiền nhiều thì làm cầu kỳ, rồi cầu kỳ mà mua sẵn thì có thể sẽ không bằng đơn giản mà toàn đồ độc, đồ đặt riêng… Có chị thích dát vàng lên tường để thể hiện sự sung túc, giàu có của mình, thì cũng có anh mua cửa gỗ cũ ghép lại sơn phết lem nhem để sống với hoài niệm. Tuy nhiên, chớ quên nguyên tắc không mới nhưng luôn đúng trong mọi thời đại: không phải cứ có tiền nhiều là có thể mua được sự lịch lãm và đẳng cấp! Vấn đề nằm ở cách xài tiền, của vận dụng tri thức và thẩm mỹ đúng chỗ, có điểm dừng. Sự lạm dụng tiền của để đầu tư cho nội thất hoành tráng là quyền của các gia chủ, không ai ngăn cản, nhưng chi quá nhiều mà kết quả thu được không như mong đợi, thì chẳng ai muốn. Cái lợi của phần nội thất là có thể “sờ tận tay” không gian và sản phẩm trước khi nó hoàn thành, chứ không phải như phần kết cấu hay kiến trúc toàn phải tưởng tượng trước trên bản vẽ. Nhưng cũng vì “trực quan sinh động” như vậy nên dễ dẫn đến tình trạng dễ dãi trong suy nghĩ, “cả thèm chóng chán”, thả lỏng kiểm soát, dễ thay đổi khi thấy màu này không hợp, ghế kia chưa hay, rèm nọ thiếu sáng. Rồi việc bùi tai khi có người tặng món đồ này, người khác khuyến mãi vật dụng nọ, khiến nội thất lắm khi là kho chứa đồ, thì không gian kiến trúc có đẹp đến mấy cũng khó “cứu” được.
Vì thế trong thị trường nội thất muôn hình vạn trạng như hiện nay, nếu người tiêu dùng không tỉnh táo trước những sự mời gọi hấp dẫn thì có thể sẽ gặp phải tình cảnh nội thất nhà mình “trăm hoa đua nở”, hoặc tốn tiền mà thiếu hiệu quả, thậm chí phản tác dụng giống như bên Singapore hay Thái Lan người đi ăn buffet bị phạt do lấy thức ăn quá nhiều mà cái bụng thì bội thực không thể nạp vô thêm nữa, vừa mất tiền vừa mất ngon!