Thông tin trên được lãnh đạo của Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi cung cấp cho TBKTSG Online vào ngày 3/6 vừa qua.
Cụ thể, một "tối hậu thư" từng được chính quyền địa phương và BQL KKT Dung Quất đưa ra cho chủ đầu tư của dự án (Công ty TNHH Guang Lian Steel. Theo đó, trong tháng 6 này mà chủ dự án vẫn không đưa ra được hợp đồng tín dụng hoặc không thể chứng minh năng lực tài chính thì giấy phép đầu tư của dự án này sẽ bị tỉnh Quảng Ngãi thu hồi.
Dây chuyền sản xuất thép của một công ty trong nước. Ảnh: Quốc Hùng |
Trước thông tin Công ty E-United (Đài Loan) - cổ đông lớn của dự án này xin điều chỉnh giảm vốn đăng ký của dự án từ 3,3 tỷ USD xuống còn 2 tỷ USD vào cuối tháng 2 vừa qua, BQL KKT Dung Quất cho rằng, động thái này không quan trọng bằng việc chủ đầu tư chứng minh được năng lực tài chính hoặc khả năng huy động vốn. Nguồn tin này cũng khẳng định: "Cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào quy định để có biện pháp xử lý trong trường hợp nhà đầu tư vẫn tiếp tục kéo dài việc trì hoãn đầu tư".
Được biết, dự án thép tỷ USD này đã được cấp giấy phép đầu tư cách đây gần 9 năm. Thế nhưng, sau quá trình dài có nhiều thay đổi về cơ cấu vốn, cổ đông và hiện vẫn đang trong tình trạng khó khăn sau khi JFE (tập đoàn thép hàng đầu của Nhật Bản) quyết định dừng xem xét đầu tư vào dự án này từ tháng 9/2014.
Trước tình hình khó khăn của dự án, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng từng lên tiếng tỏ rõ sự lo ngại. Đáng chú ý, cứ mỗi khi cơ quan hữu trách đánh tiếng rút giấy phép đầu tư thì chủ đầu tư dự án này lại tiếp tục xin gia hạn và nảy sinh yếu tố mới như thay đổi đối tác, tăng vốn...
Nếu tính từ khi làm lễ động thổ dự án vào năm 2007 cho đến nay, chủ dự án này từng phải bỏ ra khoảng 42 triệu USD cho một số hạng mục công trình như khối nhà ở công nhân, san lấp mặt bằng, tường bao dự án, cọc xây nhà máy sản xuất ...