Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) trong nhiều cuộc họp khi các đơn vị thành viên xin “cơ chế” tiêu thụ xi măng đã khẳng định: “Muốn làm thế nào thì làm, vấn đề là lợi nhuận, bán nhiều lỗ lắm thì bán để làm gì”. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp của VICEM cũng “trầy trật” bởi chính sách giá thấp và khuyến mại “khủng” của các nhà máy xi măng mới ra đời. Những năm 2010 - 2011, trên cùng một địa bàn, giá bán xi măng của VICEM nhiều thời điểm cao hơn 80.000 - 180.000 đồng/tấn so với các thương hiệu khác.
Một số doanh nghiệp thuộc VICEM cho biết, chúng tôi cũng làm xi măng, cũng đi vay như họ, lời lãi thế nào đều biết cả. Bán với giá đó thì chết càng nhanh!
Chính vì thế, VICEM không duy trì chính sách bán hàng giá thấp và khuyến mãi “khủng” để tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, Tổng công ty vẫn cầm cự và vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, còn không ít doanh nghiệp khác “chết” hẳn như Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) hay Áng Sơn (Quảng Bình). Một số nhà sản xuất xi măng khác cập kề “hố tử thần” với những khoản vay lớn và lỗ “khủng” như: Hạ Long, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Đồng Bành (Lạng Sơn).
Bộ Xây dựng dự báo, năm 2012, xi măng trong nước sẽ dư thừa từ 8 - 10 triệu tấn
Đối với ngành xi măng, các nhà sản xuất lớn chỉ có thể “bắt tay” nhau ở những lần tăng giá, mà không thể có “công thức chung” khi thị trường ế ẩm. Nếu như VICEM với thương hiệu quen thuộc và thị trường rộng khắp có lợi thế lớn về tiêu thụ, thì các nhà máy mới ra đời khá vất vả. Cách duy nhất họ có thể làm để bán được nhiều hàng là giá thấp và khuyến mại lớn. Mặc dù lỗ lớn, nhưng không thể phủ nhận trong một thời gian ngắn, Hạ Long và Cẩm Phả cũng đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Vấn đề chính của các doanh nghiệp này là vay lớn, nợ nhiều nên khó “trọn cả đôi đường”. Trong khi các nhà sản xuất tương đối “khỏe” như Xi măng Nghi Sơn hội tụ nhiều lợi thế: dây chuyền sản xuất hiện đại, đầu tư cảng biển, tàu vận chuyển, tiết kiệm các loại chi phí, không nhiều áp lực về tài chính…, thì các nhà sản xuất khác không có được đầy đủ các lợi thế đó. Vì thế, Nghi Sơn có nhiều yếu tố để giành phần thắng trên cuộc đua ngày càng gay gắt.
Thực tế cho thấy, chính sách giá thấp như con dao hai lưỡi mà các nhà sản xuất mới vào thị trường bắt buộc phải cầm, đứt tay hay không phụ thuộc vào việc cầm nó thế nào. Đơn cử như Xi măng VINACOMIN - nhãn hàng hợp nhất của 3 nhà máy La Hiên, Quán Triều và Tân Quang có giá bán thấp gây “sốc” trong năm 2011. Tại phía Bắc, giá bán trung bình của VINACOMIN chỉ vào khoảng 870.000 đồng/tấn, giá này thấp hơn giá của các loại xi măng Hoàng Thạch, Hải Phòng, Chinfon, Phúc Sơn, Sông Thao, Hữu Nghị từ 220.000 - 360.000 đồng/tấn.
Mấy tháng qua, xi măng của VINACOMIN đã kịp tăng giá lên xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn, nhưng vẫn quá thấp so với mặt bằng chung trên thị trường. Chính vì thế, quý I/2012, trong khi các thương hiệu lớn vẫn ế dài, thì VINACOMIN có mức tiêu thụ đạt 126% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thương hiệu này liệu có cạnh tranh sòng phẳng nếu như không dựa vào “bầu sữa mẹ” là Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc - nơi nguồn nhiên liệu đầu vào là than cho sản xuất xi măng thuộc diện “của nhà trồng được”?. Chẳng thế mà các cổ đông của Xi măng La Hiên bất ngờ khi thấy doanh thu năm 2011 của Công ty là 660 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 14 triệu đồng trên kế hoạch là 7 tỷ đồng.
Trong khi chính sách giá thấp gần như không được các thương hiệu lớn áp dụng, thì các thương hiệu nhỏ xem đó là đòn cạnh tranh. Hệ quả là cuộc đua bất lợi cho cả hai bên, bởi lớn hay bé cũng đều nằm chung trên con thuyền dư nguồn cung xi măng quá lớn.
(Theo ĐTCK)