Căn nhà gây cảm giác mời gọi khách bộ hành lánh vào nghỉ chân, một nơi “ẩn náu” vừa kín đáo lại vừa “lộ thiên” nơi ngoại ô thành phố biển Porto. Tuy nhiên công trình độc đáo và có phần kỳ dị này cũng khiến không ít người tỏ ý tò mò háo hức xen lẫn e ngại về cảm giác khi ngủ trong một cái “đầu rắn” của năm Tỵ nhưng lại giống với những chú ngựa hoang tìm chốn nương thân trong năm Ngọ.
Ngôi nhà là thiết kế của hai kiến trúc sư Louís Rebelo de Andrade và Tiago Rebelo de Andrade. Tên gọi của hai ngôi nhà (Nhà Rắn ) cũng thể hiện chính ý tưởng và cảm hứng của họ xuất phát từ năm Con Rắn. Kiến trúc này gây ấn tượng bằng khối không gian giống một “am” nhỏ, kéo theo chiếc thân dài thượt trườn ra từ vách núi và treo lơ lửng trong rừng. Công trình này được xây dựng dựa trên ý tưởng kết hợp những mảnh vật liệu nhẹ, hệ thống dầm treo và gắn kết các khối mô đun khác nhau lại tạo nên một kiến trúc thống nhất. Công trình là một ví dụ cho kiểu nhà ở dạng lắp ghép tạm trú, thích ứng với bối cảnh địa hình và khí hậu.
Cả hai cấu trúc đều được chống đỡ bằng trụ đá và bộ khung cột dựng trên một con dốc trong công viên. Muốn vào nhà, khách phải đi qua một kiến trúc dạng cầu vượt không có mái che, với lối đi mở rộng dần về phía cửa ra vào. Ngôi nhà mang hình dáng tựa một cái đầu rắn với phần cổ chính là một hành lang làm lối vào, cũng là nơi chứa một gian bếp nhỏ, khu vực vệ sinh. Tiếp đến là một khoang lớn cũng là không gian chính với chức năng như một phòng ngủ lớn, kiêm phòng giải trí, có giếng trời và cửa sổ mở ra cảnh vật tươi xanh bên ngoài.
Phần khung kết cấu của ngôi nhà được làm từ vật liệu tự nhiên có nguồn gốc địa phương: đá đen và gỗ. Các chất liệu này làm cho hai cấu trúc hòa lẫn vào cảnh sắc tự nhiên của công viên. Các nhà thiết kế cũng không quên tính đến khía cạnh bền vững sinh thái. Các bức tường được tạo nên từ các lớp vật liệu cách nhiệt có cốt thép. Năng lượng được thu từ các phiến pin mặt trời, và nước được lọc để tái sử dụng. Về đêm, không gian nội thất và lối đi được chiếu sáng bằng các bóng đèn LED tiết kiệm điện.
Về mặt kiến trúc và thực tiễn, kiểu thiết kế này hoàn toàn xứng đáng nằm trong danh sách những ngôi nhà thành công về yếu tố thân thiện và hòa nhập với môi trường. Gây ấn tượng tại những khu nghỉ dưỡng. Nhà nghỉ tạm cho những cặp đôi muốn xa lánh ồn ào đô thị, cho cảm giác như những “cặp ngựa hoang” tìm chốn nghỉ chân. Ngoài ra,việc sắp xếp không gian ngôi nhà hợp lý tối giản và tận dụng những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể cho chi phí đầu tư xây dựng.
Còn trên thực tế, ngôi nhà trên không phù hợp với phong cách sống truyền thống cũng như lâu dài khi ở đông người! Bởi hành lang chính nhìn thẳng vào phòng ngủ sẽ là một “bữa tiệc” hình ảnh cho các ánh mắt dòm ngó. Diện tích và công năng cũng không phù hợp với tiện nghi sống. Không kể đến tính nhạy cảm của con người nếu xét đến yếu tố phong thủy và quan niệm tinh thần. Vì có lẽ ngủ trong một cái “đầu rắn” giữa rừng đêm thực sự không phải là một cảm giác bình thường cho lắm, trừ phi đây là nơi trú chân cho những lữ khách quá mệt mỏi, không cần gì hơn ngoài một chốn nương thân, hoặc những cặp uyên ương “yêu quên trời đất” thì cảm giác được gần gũi bên nhau trong một “căn nhà” vừa đầy đủ tiện nghi lại vừa hòa nhập với thiên nhiên cũng đủ khiến họ cùng nhau “phi nước đại” lên thiên đường. Vì vậy, xét về mặt “làm tiền” biết đâu chính sự kỳ quái và bất an khi sống trong nhà Rắn lại là trải nghiệm mà du khách sẵn sàng móc hầu bao ra để được thử!!
Sự tài tình của việc kết hợp giữa những mâu thuẫn trong khoa học và phong thủy có thể là ở đây. Biến “góc chết” thành những dạng công năng có lợi, vận dụng khoa học để thể hiện và hòa nhập được với tự nhiên, chứ không khô cứng xáo rỗng vô giá trị kiểu “nhà Tre” cắm đầy những tre, “nhà Gió và Nước” thông thống những gió và rãnh nước. Kiến trúc tử tế phải để phục vụ được cuộc sống, không phải để lên báo!