Câu chuyện bắt đầu từ năm 2005, khi bà Nita Ambani, phu nhân của đại gia này tới New York và nghỉ ở khách sạn năm sao Mandarin Oriental.
Nội thất phương Đông trong khách sạn đã gây ấn tượng cho bà. Và thế là những người thiết kế khách sạn là Perkins & Will và Hirsch Bedner Associates đã được mời đến để sáng tạo ra tòa kiến trúc kiệt tác này.
Tiền sảnh
Dinh thự này được mang tên Antilla, có 27 tầng và chi phí xây dựng vào khoảng 2 tỷ USD. Từ tiền sảnh có thể thấy được 9 chiếc thang máy, trong đó hai chiếc dùng để đi tới khu vực để xe, 3 chiếc dành cho khách, 2 chiếc cho chủ nhà và 2 chiếc khác cho người hầu.
Từ tiền sảnh mở ra rất nhiều phòng, khu vực tiếp tân, phòng trang điểm. Ngoài ra, còn có hai cầu thang bộ dẫn tới phòng chiêu đãi, được thiết kế mở với mái hai tầng.
Phòng chiêu đãi
Nổi bật nhất trong phòng này là bộ đèn trần pha lê, chiếm khoảng 80% diện tích trần nhà. Các bậc thang lên xuống làm bằng bạc dẫn tới tầng lửng. Phía sau hai cánh cửa kéo ngang ở tầng này là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.
Trong phòng còn bố trí một sân khấu để giải trí hoặc phát biểu khi cần, với một màn hình đèn chiếu phía sau. Khu nhà bếp có kích thước tương tự phòng chiêu đãi, có khả năng phục vụ cùng lúc hàng trăm vị khách.
Phòng tắm
Một trong những chủ đề thiết kế quan trọng của Antilla là sự kết hợp của những phong cách xa xỉ ở các biệt thự trên khắp thế giới với những yếu tố thuần chất Ấn Độ. Chẳng hạn như chiếc bồn rửa hình chiếc lá Gingko. Có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng những chiếc lá được tạo dáng theo cách để cuống lá dẫn nước chảy vào bể chứa hình giỏ lá.
Phòng kiểu truyền thống
Những căn phòng kiểu như thế này nhiều vô kể trong dinh thự của nhà Ambani. Đó là nơi giúp cho các vị khách quý có một không gian thật yên tĩnh. Đèn chùm, gương là những vật dụng chung của những căn phòng như thế, cũng không thể thiếu những tấm thảm dệt kiểu Ấn.
Phòng kiểu hiện đại
Mỗi một không gian được sử dụng những vật liệu khác nhau. Ý tưởng là không gian này trộn vào không gian khác, gây ấn tượng đồng nhất và liên tục, đồng thời cho thấy sự khác biệt của chúng.
Những đồ nội thất, sàn nhà, đường nét họa tiết trang trí trong phòng được thực hiện theo hướng tối giản so với những căn phòng khác của tòa nhà.
Khu vực giải trí
Rạp hát tại gia giờ đã rất phổ biến, nhưng thông thường chỉ bao gồm một màn hình cỡ lớn với vài chiếc ghế ngồi xinh xắn. Nhưng ở dinh thự của Ambani thì nó giống như một rạp chiếu bóng thực thụ.
Ngoài ra, rạp hát còn có một phòng rượu, một quán rượu nhỏ và không gian giải trí, bao gồm những chiếc đi văng và bàn ăn.
Khu vực thể thao
Khu thể thao rộng lớn này bao gồm bể bơi lộ thiên, bể sục Jacuzzi, những chiếc ghế dài dưới tán cây râm mát. Khu vực này còn có phòng tập Yoga, phòng khiêu vũ dành cho nam và nữ, phòng tập thể dục và một khu tắm nắng với quầy nước ngọt.
Ngoài ra, khu vực trị liệu hoành tráng này còn sẽ có một phòng mưa tuyết ở khu vực trung tâm, nơi gia đình Ambani có thể ngồi tận hưởng bầu không khí mát lạnh với tuyết nhân tạo vào những ngày nóng nực ở Mumbai.
Khu vực để xe
6 tầng đầu tiên của tòa nhà này sẽ được dùng làm nơi đỗ xe của gia đình Ambani, khách khứa và nhân viên. Những vườn treo nhỏ được bố trí bên ngoài những tầng này, vừa để trang trí, vừa giúp làm giảm nhiệt cho bên trong.
Cây cối được trồng trong vườn treo này đều là những loài thực vật sống được trong môi trường nước dinh dưỡng mà không cần đất nhằm hạn chế ô nhiễm cho môi trường bên ngoài.
Khu tầng mái
Tầng trên cùng của tòa nhà là một tổ hợp với mái che và một không gian giải trí nhìn ra chân trời cũng như biển Arập. Vào những ngày quá nóng, hoặc quá lạnh, chủ nhà có thể lên đây, ngồi trong không gian kín với cửa kính từ sàn lên tới trần nhà. Đó sẽ là một nơi thư giãn tuyệt vời.