Dừng vì không tiền GPMB
Năm 2007, Tata dự kiến triển khai dự án thép tại Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Sau đó, vì nhiều lý do, Tata lại muốn liên doanh với đối tác Việt Nam để triển khai dự án. Do đó, dự án có tên liên hợp thép Tata-VNSteel (liên doanh giữa Tập đoàn Tata góp 65% vốn, Tổng Cty Thép Việt Nam và Tổng Cty Xi măng Việt Nam góp 35% vốn).
Theo đó, dự kiến sẽ xây dựng nhà máy 4,5 triệu tấn/năm với sản phẩm là thép tấm, thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội. Thời gian xây dựng từ 2009-2015, chia làm 2 giai đoạn. Nguồn nguyên liệu chính lấy từ quặng sắt ở mỏ Thạch Khê (ở phía bắc tỉnh Hà Tĩnh).
Sau 1 năm chuẩn bị, tháng 8/2008, lễ ký kết chính thức hợp đồng liên doanh dự án này được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Thế nhưng, ngày 6/2 vừa qua, Tata đã quyết định rút lui khỏi dự án này. Lý do Tata đưa ra: “Sự chậm trễ trong việc phê duyệt dự án và những thử thách trong môi trường kinh doanh”.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trước đó, tại đại hội cổ đông của Tata Steel (một công ty con của Tata), Chủ tịch Tập đoàn Tata - Cyrus Mistry đã hé lộ về việc này khi trả lời câu hỏi của các cổ đông. “Chúng tôi không còn hy vọng gì vào dự án này những năm gần đây”, ông Cyrus Mistry cho biết.
Theo tính toán ban đầu, nếu triển khai dự án, Hà Tĩnh phải bố trí diện tích đất rất lớn (khoảng 900-1.000ha) và di dời khoảng 3.000 hộ dân nên tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ rất lớn. Tại thời điểm đó, ước tính tiền đền bù lên tới khoảng 4.000 tỷ đồng. Với khoản kinh phí này, địa phương nghèo như Hà Tĩnh không đáp ứng được. Lãnh đạo Hà Tĩnh đã kêu gọi Tata giúp sức, nhưng tập đoàn này trả lời là không có tiền để hỗ trợ GPMB.
Khu đất trước đây Hà Tĩnh định cho Tata triển khai dự án. Ảnh: Phong Cầm
Lãnh đạo Hà Tĩnh nói gì?
Làm việc với PV Tiền phong, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm 2006, Tata đến Khu kinh tế Vũng Áng khảo sát để đầu tư xây dựng nhà máy thép. Sau đó, Tata thấy không thuận lợi nên bỏ qua.
Khu đất trước đây Hà Tĩnh định cho Tata triển khai dự án. ảnh: phong cầm
Năm 2007, Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (gọi tắt là Formosa Hà Tĩnh) vào xin đầu tư dự án thép và được chấp thuận. Năm 2008, khi Formosa đang triển khai, Tata quay lại xin được đầu tư. “Đến sau, nhưng Tata yêu cầu Hà Tĩnh phải cấp đất cho họ tại khu vực đã cấp cho Formosa. Giới thiệu địa điểm bên cạnh Formosa, Tata chê đất nằm sâu nên không đồng thuận”, ông Tuấn nói.
“Giờ đang đợi Formosa triển khai, có đóng góp cho ngân sách may ra lúc đó mới có tiền GPMB dự án tiếp theo. Bây giờ tiền mình dồn hết cho các ông lớn kiểu này, rồi ngồi chờ 10-20 năm nữa thì lấy đâu ra tiền để lo an sinh xã hội” . Vụ phó Quản lý Khu Kinh tế Lê Thành Quân |
Cũng theo ông Tuấn, sau một thời gian, Hà Tĩnh quyết định gom đất tại một số dự án nhỏ lẻ tại Khu kinh tế Vũng Áng để cấp cho Tata. Sau khi xem xét, phía Tata đã chấp thuận hơn 700ha đất tại hai xã Kỳ Thịnh và Kỳ Long (huyện Kỳ Anh). Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, số tiền dự kiến để bồi thường GPMB lên tới trên 5.000 tỷ đồng.
“Với số tiền 5.000 tỷ đồng, Chính phủ Việt Nam khẳng định không đủ kinh phí để bỏ ra và yêu cầu Tata cho ứng trước tiền thuế đất. Tuy nhiên, phía Tata không chấp thuận phương án này”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn còn cho biết, không chỉ không đồng thuận cho Hà Tĩnh ứng trước tiền thuế đất để GPMB, Tata còn yêu cầu Hà Tĩnh phải làm hệ thống cảng biển lên tới 1 tỷ USD và nhiều yêu sách khác. Theo ông Tuấn, ngày 23/5/2013, Tata đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nêu: “Xin được rút lại hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư của dự án thép”.
Ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, dự án đang ở trên giấy tờ của các bộ ngành. “Hiện, mới chỉ nghe nói qua dự án này”, ông Bổng nói.
Còn ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đang ra sức kêu gọi và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư khác vào xây dựng trên mảnh đất 700ha đã quy hoạch. “Đối với dự án thép của Tập đoàn Tata, không chỉ Hà Tĩnh mà Chính phủ đã tạo nhiều thuận lợi để thu hút”, ông Cự nói thêm.
Không nên “thả gà ra đuổi”
Ngày 13/2, đại diện Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, theo cơ chế phân cấp đầu tư, Bộ Công Thương chỉ có thể có tham gia kiến nghị, còn quyền quyết định thuộc về địa phương. “Việc Tata thôi không triển khai dự án là điều đáng tiếc. Bởi đây là tập đoàn lớn của Ấn Độ có thương hiệu về thép. Tuy nhiên, chúng ta không thể thả gà ra đuổi nữa”, vị này nói.
Cùng ngày, ông Lê Thành Quân, Vụ phó Quản lý khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho biết, đây là dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Việc đền bù GPMB lớn, trong khi Việt Nam lại không có tiền.
Họ thấy nếu bỏ thêm tiền để đền bù GPMB tổng mức đầu tư lớn; tính cạnh tranh của sản phẩm không cao nên quyết định thôi dự án. “Về liên doanh giữa Tata với VNSteel và Vicem, mục đích cũng để triển khai dự án. Tuy nhiên, khi động đến tiền đền bù GPMB lớn nên Tata xin rút”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, thực ra rất muốn Tata triển khai dự án vì hiệu quả sử dụng đất sẽ tốt hơn các dự án nhỏ. “Về yêu cầu của Tata liên quan đến khoản tiền GPMB, vì chưa biết hiệu quả thế nào nên chúng ta không thể mạo hiểm đi vay tiền. Thực tế, tại Khu kinh tế Vũng Áng, chỉ riêng dự án Formosa đã mất nhiều năm, tốn công, tốn của, hy sinh bao nhiêu mới ra được mặt bằng như thế. Giờ đang đợi Formosa triển khai, có đóng góp cho ngân sách may ra lúc đó mới có tiền GPMB dự án tiếp theo. Bây giờ tiền mình dồn hết cho các ông lớn kiểu này, rồi ngồi chờ 10-20 năm nữa thì lấy đâu ra tiền để lo an sinh xã hội”, ông Quân bình luận.
Một lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cũng cho biết, việc Tata dừng dự án là chuyện bình thường. Bây giờ nếu để hỗ trợ Tata triển khai dự án, tiền ngân sách bỏ ra lớn sẽ rất nguy hiểm. Trong bối cảnh này, sẽ không thể có khoản ngân sách 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ Tata GPMB.
Hiện, Khu kinh tế Vũng Áng đã có 305 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Có 86 doanh nghiệp có dự án đầu tư (38 dự án ngoài nước) với tổng mức đầu tư 16 tỷ USD. |