Phần này đòi hỏi gia chủ hết sức lưu tâm vì “ăn chắc mặc bền” là điều cần ghi nhớ. Phần hoàn thiện thì thường có rất nhiều dạng “nhầm” về sử dụng vật liệu, đơn cử một số trường hợp sau:
- Đưa vật liệu trong nhà ra ngoài trời và ngược lại. Những vật liệu để dùng ốp lát trong vệ sinh thì lại ốp lên mặt tiền gây phản cảm và thiếu thẩm mỹ mặt đứng. Còn đá thô thường dùng trong sân vườn thì lạm dụng ốp tường phòng ngủ khiến không gian trở nên nặng nề, âm u do đá thiên về tính âm nhiều, mà phòng ngủ đã có tính âm sẵn rồi.
- Vật liệu kích cỡ nhỏ dùng trong không gian lớn và ngược lại. Điều này hay xảy ra với các loại gạch và thiết bị chiếu sáng. Ví dụ một bộ đèn chùm quá to treo trong phòng nhỏ gây nóng nực và ngột ngạt, hoặc dùng gạch loại nhỏ ốp lát tiền sảnh rộng. Sự tương xứng về tỷ lệ luôn đem lại hài hòa cơ bản, như gạch mosaic nhỏ dùng trong phòng vệ sinh hợp hơn là ngoài mặt tiền (hình 1).
- Bề mặt của vật liệu gây tác động xấu lên người sử dụng, ví dụ như dùng gỗ nhiều cộng với đèn vàng và giường tủ màu đậm gây Hỏa Vượng, tạo cảm giác nóng nực (hình 2). Hoặc các vật liệu phản quang, bóng quá gây chói mắt hay gây ra ảo giác như gương soi đặt chiếu vào giường ngủ.
- Vật liệu dùng sai phương vị, sai Ngũ hành của không gian. Ví dụ như phòng ngủ dùng nhiều sắt thép kim loại (Kim khắc Mộc), hoặc dùng kính nhiều tại các hướng nắng gắt, dùng đá bóng trơn tại không gian nhiều nước (bếp, vệ sinh), dùng thảm trong không gian đi lại nhiều mà không có điều kiện dọn dẹp… đều dễ dàng gây nên các bất lợi trong quá trình sử dụng.
Thay đổi vật liệu để khắc phục
Nhận ra được sự sai sót của việc dùng không đúng vị trí của vật liệu cũng chính là có thể khắc phục được. Ví dụ như treo thêm rèm, màn sáo tại các vùng dùng nhiều cửa kính bị nắng chói gắt để giảm Dương quang. Hoặc thay gạch lát nền, thay màu sơn tường cho phù hợp với không gian sử dụng cũng là biến đổi rõ rệt Trường Khí của những không gian này.
Nhưng cũng có những vật liệu đắt tiền hoặc kiên cố khó có thể thay đổi được thì giải pháp phong thủy khắc phục là phủ lên bề mặt vật liệu đó một lớp vật liệu khác để giải trừ tác động xấu. Ví dụ như trải tấm thảm màu sắc dịu mát trên mặt sàn gỗ để giảm Mộc sinh Hỏa nhiều.
Hoặc tường phòng ngủ đã lỡ ốp đá sần sùi nhiều thì có thể lăn sơn màu nhạt lên để giảm cảm giác tối và nặng. Như trong hình 3 là một bức tường gạch thẻ cũ được xử lý bằng cách lăn sơn trắng, tạo nên chất cảm mới nhẹ nhàng và tinh khiết hơn. Việc đặt kế bên mảng vật liệu này bằng một chất liệu khác mang tính cải thiện Trường Khí, hoặc xung khắc với vật liệu có tính Hung cũng giúp thay đổi cảm nhận về vật liệu theo chiều hướng có lợi hơn.
Ví dụ như dùng đá granite đen viền quanh mảng gạch thô màu đỏ (Thủy khắc bớt Hỏa, hình 4), hoặc dùng bình phong che bớt mảng tường sần sùi, tạo nên những đóng mở không gian, tạo chiều sâu và tránh những tác động xấu khi một vật liệu không như ý đã “lỡ dùng”.
Theo Thanh Niên tuần san