Trong buổi thảo luận ngày hôm qua (chiều 24/10) của Quốc hội về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều đại biểu đã nêu nhiều ý kiến xác đáng về dự Luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định của dự thảo luật còn chưa "công bằng" trong việc bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư BĐS và bảo vệ người mua BĐS. Các chế tài xử phạt hành vi bị cấm còn chưa nghiêm, các đại biểu cho rằng, các hành vi gian lận, lừa dối trong kinh doanh; huy động, chiếm dụng vốn trái phép; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước… cần phải được hình sự hóa. "Có như vậy thì mới ngăn chặn được tình trạng lừa đảo, chụp giật trong kinh doanh BĐS”, đại biểu Đỗ Văn Đương – Tp.HCM chia sẻ.
Đại biểu góp ý cho dự án luật ngày 24/10 tại Quốc hội |
Dự luật cũng được đại biểu Trần Du Lịch – Tp.HCM góp ý, theo ông, dự luật phải góp phần khắc phục tình trạng người dân góp tiền mua nhà nhưng chủ đầu tư lại lấy tiền góp vốn này để đầu tư... chỗ khác, khiến người mua mỏi mòn chờ đợi trong bất an.
Theo đại biểu Lịch, pháp luật vẫn để lỗ hổng cho người có BĐS lợi dụng, chiếm tiền của dân khi mà việc phải góp bao nhiêu % vốn vào dự án BĐS, người mua biết, nhưng chuyện số tiền đó được sử dụng ra sao thì lại người dân lại không kiểm soát được.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh BĐS cũng cần xem xét lại điều khoản góp vốn mua, thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Điều khoản này cho rằng, bắt buộc tiền góp vốn phải được ký gửi tại một ngân hàng do chủ đầu tư quy định và ghi rõ trong hợp đồng; số tiền này không được dùng vào mục đích khác mà chỉ được giải ngân cho công trình góp vốn; đối tượng là người góp vốn hoặc đại diện người góp vốn được phép yêu cầu ngân hàng hoặc chủ đầu tư minh bạch việc sử dụng số tiền đã góp. Đồng thời, dự luật chỉ nên quy định tỷ lệ góp vốn lần 1 tối đa là 30% giá trị BĐS cầ mua, tỷ lệ nộp tối đa là 95% cho đến khi người mua được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhà ở, các bên sẽ tự thỏa thuận phần góp vốn trong giai đoạn triển khai.
Pháp luật vẫn để lỗ hổng cho người có BĐS lợi dụng, chiếm tiền của dân
Ý kiến này nhận được sự đồng tình của các đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng)... Các vị đại biểu cũng bàn luận thêm, nếu mới xong phần móng mà chủ đầu tư đã có thể thu 50-70% giá trị hợp đồng thì số tiền góp vốn, chủ đầu tư rất dễ dùng vào việc khác. Kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy, việc mua bán BĐS đều phải thông qua ngân hàng thương mại, điều này nhằm tránh tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực kinh doanh nhà đất.
Vào ngày 25/11 tới, Dự thảo Luật kinh doanh BĐS sửa đổi dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua.
Quản lý chặt chẽ hơn nhà công vụ
Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) quy định về đối tượng được thụ hưởng nhà ở công vụ là gần như tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều có quyền sở hữu. Ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng quy định như vậy là quá rộng và không khả thi. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, ngoài lãnh đạo Đảng, Nhà nước được cấp nhà công vụ để đảm bảo an ninh thì chỉ cán bộ luân chuyển tới vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn mới được cấp nhà công vụ. Ông Hà bày tỏ: "Quy định như hiện nay là rất rộng, tôi đề nghị chỉ hỗ trợ nhà ở cho cán bộ, công chức về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn nếu về nơi thuận lợi rồi thì cần gì cấp nhà nữa".
Ý kiến này nhận được sự đồng thuận từ đại biểu Trần Ngọc Vinh, đạii biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)... Ông Sinh đề nghị: “Việc quản lý nhà công vụ phải được tiến hành công khai, minh bạch, Quốc hội, HĐND phải giám sát chặt chẽ. Việc sử dụng ngân sách, quỹ đất xây dựng nhà công vụ phải thông qua Quốc hội (ở trung ương) và HĐND (ở địa phương). Chỉ từ cấp bộ trưởng trở lên thì Trung ương mới nên xây dựng nhà công vụ. Tại địa phương, chỉ xây nhà công vụ ở những nơi chưa có nhà ở thương mại, hỗ trợ nhà ở bằng tiền hoặc thông qua chế độ lương với nơi có nhà ở thương mại”.