Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 5, lượng thép thành phẩm tồn kho đã lên đến 500.000 tấn. Còn ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho hay chỉ riêng các doanh nghiệp trong hiệp hội, lượng phôi thép tồn kho cũng đã lên đến 600.000 tấn…
Tuy nhiên, nguồn tin từ các nhà máy sản xuất thép cũng như giới kinh doanh, lượng sắt thép xây dựng tồn kho đến thời điểm này phải từ 1,2 - 1,3 triệu tấn. Nguyên nhân là do sức tiêu thụ thời gian qua giảm đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép lại kỳ vọng từ tháng 4, khi bước vào mùa xây dựng, sức tiêu thụ thép sẽ tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã tăng công suất.
Hiện các doanh nghiệp thép phải tìm đủ mọi cách để giải phóng hàng, như tăng mức chiết khấu bán hàng thêm 500.000 đồng, thậm chí 900.000 đồng/tấn; kể cả hỗ trợ chi phí vận chuyển, trợ giá cho các công trình xây dựng để lôi kéo khách hàng nhưng vẫn tiêu thụ chậm. Lãnh đạo một doanh nghiệp thép khá lớn tại khu vực TPHCM cho biết đơn vị ông đang phải tìm đủ mọi cách để bán hàng, kể cả tăng thời gian cho trả chậm thêm 3, 4 tuần. Với khách hàng thanh toán bằng tiền mặt sẽ được giảm giá ngay đến cả triệu đồng/tấn. “Khách mua tiền mặt với số lượng lớn thì giá nào cũng phải bán, dù bán lỗ, để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng”- vị này than.
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất thép gặp khó mà giới kinh doanh thép xây dựng cũng đang “đứng ngồi không yên”. Một số chuyên gia ngành thép cho biết trong quý I/2011, sức tiêu thụ thép xây dựng đã tăng đột biến (tăng 40%-50% so với bình thường) nhưng sau đó lại giảm mạnh trở lại. Sở dĩ có hiện tượng này là do giá thép những tháng đầu năm liên tục tăng nên giới kinh doanh thép xây dựng lo ngại giá sẽ tăng tiếp nên đua nhau gom hàng.
Sau đó, do kinh tế khó khăn, Nhà nước có chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng xây dựng nhiều công trình… khiến thị trường rơi vào tình trạng ế ẩm. Hàng ế, giá phôi thép trên thị trường thế giới lại đang vào xu thế giảm khiến giới kinh doanh đang phải tìm đủ mọi cách để tháo hàng, cắt lỗ. Họ chấp nhận bán với giá thấp hơn giá xuất xưởng của hãng thép từ 1 - 1,5 triệu đồng/tấn.
Ông Dũng, một đầu mối chuyên kinh doanh sắt thép xây dựng tại TPHCM, cho hay với lãi suất ngân hàng 22%-24% thì không ai dám “ôm hàng”, vì một tấn thép mỗi tháng phải trả lãi khoảng 400.000 đồng. Cũng theo ông Dũng, những doanh nghiệp lớn đang “ôm” 30.000 - 40.000 tấn thì đã lỗ hàng chục tỉ đồng, còn những cửa hàng “cò con” trữ 200 - 300 tấn cũng phải lỗ cả trăm triệu đồng.
(Theo NLĐ)