Gạch sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó vì chất lượng cao mà giá thành bằng với gạch nung cùng loại.
Công nghệ này không dùng đất sét ruộng mà sử dụng đất đồi, đất bóc thải ở các mỏ, bìa than, than xít, xỉ lò nung, gạch ngói phế liệu, chất thải rắn do phá dỡ nhà cửa… Tất cả được nghiền nhỏ và đưa vào dây chuyền gia công nguyên liệu.
Từ nguyên liệu gầy đó đưa vào hệ máy chuyên dùng của công nghệ bán dẻo chế biến thành “bài phối liệu” cho từng loại sản phẩm gạch xây, ngói lợp, gạch lát nền khác nhau. Và nguyên liệu gầy này có trữ lượng lớn, giá rẻ, góp phần làm sạch môi trường.
Kỹ sư Nguyễn Thế Cường, tổng giám đốc công ty CP Thạch Bàn – đơn vị làm gạch ngói từ chất thải cho biết, “công nghệ này sẽ mở đầu cho một thời kỳ mới sản xuất gạch ngói xanh” bởi nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Công nghệ cũ, sản xuất gạch ngói nung truyền thống, phần lớn đều dùng đất sét ruộng làm nguyên liệu; theo ông Cường, việc này, hàng năm gây tiêu tốn hàng chục ngàn hecta đất canh tác. Và công nghệ dẻo cũ năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không cao... Hơn nữa, các nhà máy gạch công nghệ dẻo chủ yếu đóng ở những khu vực đồng bằng – dễ gây ô nhiễm môi trường cho những khu dân cư, cho hoa màu canh tác, xả chất thải rắn, phế liệu, xỉ lò… Trong khi đó, nhà máy công nghệ bán dẻo đã và sẽ xây dựng ở các vùng đồi núi, xa đồng ruộng, xa khu dân cư và không có phế thải rắn.
Về chất lượng sản phẩm gạch ngói xanh, theo kết quả thực nghiệm cao hơn nhiều lần so với gạch nung truyền thống nhưng giá bán vẫn ngang nhau (1.799 đồng/viên gạch xây). “Do vậy mà sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho”, ông Nguyễn Công Định, giám đốc chi nhánh Thạch Bàn ở Tp.HCM nói. Bên cạnh, sản xuất gạch ngói xanh còn tăng mức độ cơ khí và tự động hoá, giảm lao động thủ công – chỉ bằng 30 – 35% so với sản xuất theo phương pháp cũ.
(Theo SGTT)