Nằm trên đồi Saha-gu, phía nam thành phố cảng Busan sầm uất, làng Gamcheon sở hữu những nét kiến trúc và văn hóa độc đáo, với khung cảnh rất đỗi thanh bình và đáng yêu của những ngôi nhà được tô vẽ đầy sắc màu tươi tắn. |
Một sự pha trộn hài hòa giữa một bên là vẻ đẹp hiện đại toát lên từ các tòa nhà chọc trời lấp lánh ở khu Busan mới và nét xưa cũ hiện ra ở những khu chợ tấp nập người qua lại ở khu Busan cổ. |
Gamcheon lôi cuốn khách du lịch không chỉ bởi sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực hay những bãi biển ngập nắng và gió, người ta yêu mến nơi này còn bởi vẻ đẹp nghệ thuật và lịch sử của nó. |
Từ xưa đến nay, ngôi làng bên sườn đồi này vẫn lưu truyền những câu chuyện lịch sử đặc biệt về nó. Tương truyền, làng Gamcheon trước đây chỉ là một thị trấn ẩm thấp, tồi tàn vào những năm 1950, nơi người dân tị nạn sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Về sau, làng được gây dựng và phát triển bởi một cộng đồng tôn giáo có tên Taegeukdo, ra đời trong những biến động chính trị ở Hàn Quốc những năm đầu 1900. |
Mặc dù ngày nay cộng đồng tôn giáo này không còn nhiều nhưng các tín đồ của Taegeukdo vẫn luôn tin rằng ý nghĩa của vũ trụ được tìm thấy trong sự hòa hợp âm dương, nằm trong triết lý “Đại phân cực” của họ. Biểu tượng về hai vòng xoáy xanh đỏ có vai trò quan trọng trong lịch sử Hàn Quốc, nó cũng có mặt trên lá cờ Hàn Quốc ngày nay. |
Năm 1955, trong giai đoạn tái thiết đất nước sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, chính quyền thành phố Busan đã yêu cầu 800 hộ gia đình cộng đồng tôn giáo Taegeukdo di dời đến khu vực Gamcheon bên sườn đồi. Và từ đó, Gamcheon đã dần “thay da đổi thịt”. |
Không giống các ngôi làng khác, Gamcheon được quy hoạch với những ngôi nhà nhiều màu sắc theo cung bậc thang vòng cung với ý nghĩa tạo không gian thoáng đãng cho các ngôi nhà khác. |
Năm 2009, Bộ Văn hóa Hàn Quốc đầu tư triển khai một dự án nghệ thuật nhằm làm mới làng Gamcheon mà vẫn giữ được những nét kiến trúc vốn có. Rất nhiều các nghệ sĩ và sinh viên ngành mỹ thuật được mời về đây để trang trí cho ngôi làng. |
Các nghệ sĩ đã thêm hơn 10 màu sắc khác nhau lên các bức tường và mái nhà mà người dân làng đã sơn vẽ trong nhiều năm, khiến cho ngôi làng như “lột xác”, mang một sức sống mới sinh động và đáng yêu hơn. |