Giá cát tăng chóng mặt
Chưa đầy 1 tháng trước, giá cát tại Tp.HCM chỉ dao động từ 150.000-250.000 đồng/m3. Cụ thể, giá cát bê tông khoảng 250.000 đồng/m3, cát xây tô ở mức 190.000 đồng/m3, thấp nhất là cát san lấp với giá 150.000 đồng/m3.
Tuy nhiên đến nay, giá cát tăng chóng mặt đã khiến các đại lý vật liệu xây dựng và các nhà thầu xây dựng ngỡ ngàng.
Theo khảo sát của Đầu tư BĐS, giá cát san lấp đã lên tới 230.000 đồng/m3, giá cát xây tô hiện ở mức 400.000 đồng/m3, riêng giá cát bê tông đã tăng gấp đôi lên mức 450.000 đồng/m3. Tình trạng tăng giá cát đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong vai người đi mua cát, khi đến các cửa hàng vật liệu xây dựng, phóng viên đều nhận được câu trả lời là do nguồn cung khan hiếm.
Một chủ cửa hàng giải thích: “Vì rất khan hiếm nên nếu có nhu cầu mua cát thì nên mua ngay chứ để một thời gian nữa giá sẽ càng lên. Do các điểm được cấp phép khai thác, nạo vét bị tạm dừng để rà soát lại, các cơ quan chức năng cũng mạnh tay hơn với cát tặc nên nguồn cung giảm đi nhiều. Nhiều khi không có hàng để nhập em ạ”.
Chúng tôi tìm đến một số vựa cát tại Đồng Nai để tìm hiểu có đúng cát khan hiếm như lời các cửa hàng nói hay không. Tuy nhiên, các chủ bãi ở đây đều không mấy mặn mà với khách.
Một lái xe chuyên chở cát tại bến cho biết: “Họ đang găm hàng đấy. Vì theo họ giá cát sẽ còn tăng trong nay mai nên từ đầu tháng đến nay, chủ các bãi ở đây không vội vàng đẩy hàng đi”.
Giá cát xây dựng đang tăng chóng mặt |
Trước hiện tượng giá cát "sốt nóng" trong thời gian gần đây, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân một phần là do nguồn cung thiếu hụt bởi tình trạng khai thác cát trái phép đã bị ngăn chặn, song việc thiếu hụt này chưa đến mức khiến giá "sốt". Nhiều khả năng đây là hiện tượng đầu cơ.
Nhà thầu điêu đứng
Thời điểm hiện tại đang là giai đoạn cao điểm của ngành xây dựng, các mặt hàng như cát, gạch, xi măng, thép… luôn trong tình trạng cháy hàng. Nhưng việc giá cát hiện nay đang tăng chóng mặt là điều bất thường và khiến nhiều nhà thầu đứng ngồi không yên.
Theo các doanh nghiệp, giá cát đang "làm khó" cả chủ cửa hàng lẫn nhà thầu go phải đáp ứng những đơn khách đặt hàng từ trước đó.
Một chủ thầu trên đường Lê Văn Việt (quận 9) cho hay, trong một công trình, cát chiếm 40-60% khối lượng. Việc giá cát tăng đột biến và ngày càng khan hiếm đã tác động không nhỏ tới tiến độ công trình và lợi nhuận của nhà thầu.
Chủ thầu này cho biết, khi giá cát bắt đầu tăng, tôi đã thương lượng lại với chủ nhà về thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, chủ công trình không đồng ý thay đổi giá toàn bộ mà chỉ chia sẻ nên nếu tình trạng này kéo dài, không những không có lời, mà còn có thể phải bù lỗ.
Tương tự, anh Hoàng Văn Thái, một nhà thầu xây dựng dân dụng tại quận Gò Vấp cũng chia sẻ, những nhà thầu nào đang thi công dở các công trình lớn mà được đảm bảo giá và nguồn cung ổn định thì còn đỡ. Còn các nhà thầu nhỏ với những công trình trung bình và nhỏ thì điêu đứng do giá cát tăng vọt.
Anh Thái than thở: "Biến động của giá cát hiện nay khiến chúng tôi trở tay không kịp. Không thể thiếu cát khi trộn vữa bê tông và đây cũng là công đoạn không thể dừng của mọi công trình xây dựng. Với sự tăng giá chóng mặt của cát như hiện nay, các công trình sẽ phải đội thêm chi phí ít nhất 10%. Với tình thế này, khi đã ký hợp đồng trọn gói với chủ đầu tư, nhà thầu nhỏ xác định thi công đủ vốn, thậm chí lỗ".
Về giải pháp ứng phó, chúng tôi đề cập đến việc tìm nguồn vật liệu thay thế, nhưng đại diện các nhà thầu đều “lắc đầu”.
Một nhà thầu tại quận Thủ Đức cho biết, giá cát nhân tạo vốn đã rất cao, không phải là lựa chọn phổ biến cho những công trình trung bình và nhỏ. Hơn nữa, với các công trình đang thi công, vì tính an toàn và đồng bộ nên việc thay thế vật liệu là điều cực kỳ tối kỵ.
Trong khi giá cát biến động mạnh, thì giá những vật liệu khác không biến động nhiều. Tại các cửa hàng vật liệu ở khu vực quận 10, Tp.HCM, giá đá đen 295.000 đồng/m3, gạch ống ở mức 1.120-1.250 đồng/viên, xi măng 75.000-90.000 đồng/50kg...