Liên tục đẩy giá
Từ cuối tháng 12-2010, các doanh nghiệp thép bắt đầu tăng giá với mức tăng nhẹ 300.000 đồng/tấn. Sang tháng 1, 2 và đầu tháng 3, giá thép tăng liên tục đến 4 - 5 lần với mức tăng tổng cộng lên đến 2 triệu đồng/tấn. Hiện giá thép giao tại nhà máy (chưa tính thuế GTGT) đã lên đến 17 triệu đồng/tấn, đẩy giá thép trên thị trường tăng lên 18,8 triệu - 19 triệu đồng/tấn.Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến nay, sức tiêu thụ thép tăng bất thường (tăng 40%-50% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi nhu cầu xây dựng thấp. Sức mua tăng cao đã góp phần làm giá thép tăng liên tục trong thời gian qua và ngược lại, giá tăng khiến các đại lý cấp tập gom hàng, đẩy giá tăng thêm.
Ảnh minh họa (IE) |
Nhu cầu xây dựng thấp nhưng giá thép liên tục tăng.
Các nhà sản xuất thép lý giải nguyên nhân giá thép tăng là do giá nguyên liệu phôi thế giới tăng từ đầu năm 2011 và với tình hình tỉ giá, lãi suất, điện... đều tăng cao thì sắp tới, giá thép sẽ còn tăng tiếp. Tuy nhiên, theo tính toán từ giới chuyên môn, tháng 1-2011, giá phôi thế giới có nhích lên vài chục USD/tấn, lên mức 600 - 610 USD/tấn.Thời điểm đó, các nhà máy sản xuất thép vẫn còn nguồn nguyên liệu dự trữ với giá khoảng 580 USD/tấn. Đầu tháng 2, giá phôi thế giới tăng mạnh lên 690 USD/tấn nhưng đến cuối tháng 2 giảm còn 660 USD/tấn và hiện đang đứng ở mức 670 USD/tấn. Một tấn phôi thép có giá khoảng 14 triệu đồng, cộng với chi phí sản xuất khoảng 1,5 triệu đồng, tính ra giá thành chỉ khoảng 15,5 triệu đồng/tấn.
Giá bán ra của nhà máy khoảng 17 triệu đồng/tấn, tức đã có lãi. Đó là tính giá phôi đã tăng, trong khi thép mà các đơn vị bán ra trên thị trường do sử dụng nguồn nguyên liệu giá thấp từ tháng 1 nên mức lãi cao hơn nhiều. Ngoài ra, theo VSA, các nhà máy sản xuất thép hiện sử dụng 60% nguồn nguyên liệu phôi trong nước có giá thấp hơn do không tốn chi phí vận chuyển nên mức lãi cao hơn khá nhiều.
Nguy cơ lặp lại sự cố năm 2008
Bài học năm 2008 cho thị trường thép vẫn còn đó: Những tháng đầu năm 2008, giá phôi thép thế giới tăng liên tục, có lúc lên cả ngàn USD/tấn, kéo theo giá thép trong nước tăng cả chục triệu đồng/tấn, lên 22 - 23 triệu đồng/tấn. Khi giá thép trong nước bắt đầu tăng, nhiều người kinh doanh thép đổ xô thu gom hàng trữ với số lượng tăng gấp 5-10 lần bình thường; lúc giá đã lên đến “đỉnh”, họ vẫn không chịu bán do kỳ vọng giá còn tăng tiếp. Đến tháng 8-2010, giá phôi thép thế giới giảm còn 330 USD/tấn kéo giá thép trong nước cũng giảm mạnh.Lúc này, những doanh nghiệp thương mại, đại lý thép đều đã “ôm” lượng hàng khá lớn, có doanh nghiệp trữ vài chục đến cả trăm ngàn tấn, lỗ ít nhất vài chục tỉ đồng (phần lớn đều là vốn vay ngân hàng). Hậu quả là nhiều doanh nghiệp thương mại thép phải “tán gia bại sản”.
Năm nay, tình hình cũng đang diễn biến theo chiều hướng tương tự. Bằng chứng là các doanh nghiệp thương mại đang tích cực trữ hàng với số lượng lớn, trong khi nhu cầu xây dựng chưa có. Theo báo cáo từ VSA, trong tháng 12-2010, tiêu thụ 437.000 tấn, tháng 1-2011 tăng tiếp lên 469.000 tấn và tháng 2 vừa qua là 475.000 tấn.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng cho biết đến thời điểm này, nhu cầu xây dựng rất thấp, các dự án lớn cũng chưa có dấu hiệu khả quan. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA, cho hay thời gian qua cả doanh nghiệp thương mại lẫn các chủ đầu tư công trình xây dựng đều mua thép dự trữ vì lo ngại giá thép sẽ tăng tiếp. Tình hình đầu tư xây dựng trong nước cũng như nước ngoài giảm sút đáng kể nên giá nguyên liệu phôi thép thế giới có dấu hiệu giảm. Ngoài ra, sức ép siết chặt đầu tư công của Chính phủ, việc vay vốn ngân hàng khó khăn... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ sắt thép thời gian tới.
Lượng thép tồn kho giảmTheo VSA, hiện thép thành phẩm tồn kho trong các doanh nghiệp thành viên hiệp hội chỉ khoảng 250.000 tấn (bình thường phải trên 300.000 tấn), ngược lại, lượng nguyên liệu phôi thép được các doanh nghiệp trữ đến 500.000 tấn. Dự báo sức tiêu thụ thép trong những tháng sắp tới sẽ giảm đáng kể. |
(Theo NLĐ)