Được biết đến rộng rãi từ những năm đầu của thập niên 90, Minimalist – hay phong cách thiết kế nội thất tối giản, đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người yêu thích kiến trúc. Với phương châm “less is more”, việc tháo rời những chi tiết cầu kì hay tránh những mảng màu kết hợp phức tạp không khiến thiết kế trở nên đơn điệu, trái lại, nó tạo nên không gian ấm áp, tiện nghi, lại chẳng bao giờ lỗi mốt.
“Tối giản” là bỏ bớt những cái không cần, là chắt lọc lấy tinh hoa. Nhưng bỏ cái nào, giữ cái nào, lại không phải là một bài toán đơn giản. Bài viết dưới đây có lẽ sẽ phần nào giúp bạn trả lời được câu hỏi này.
Màu sắc
Đen, trắng, và xám – “bộ ba quyền lực” trong phong cách thiết kế Minimalist. Ảnh: Décor Aid
Muốn tối giản thiết kế, trước hết hãy bắt đầu với bảng màu của căn phòng. Dù là phòng ngủ hay phòng sinh hoạt chung, dù là “ốc đảo” thư giãn hay là nơi bạn tập trung xử lý công việc, hãy chọn lấy một bộ 3 màu ưa thích nhất làm cơ bản, rồi tăng hay giảm vài sắc thái cho những không gian khác nhau. Bằng cách này, bạn vẫn đảm bảo được chất “tối giản” cho căn nhà, lại khiến chúng không quá nhàm chán hay thiếu tính liên kết.
Các nhà thiết kế thường sử dụng các tông màu trung tính và dễ kết hợp khi thực hiện phong cách tối giản, như trắng, kem, đen hay xám.
Đồ nội thất
Không gian tối giản lại đầy mê hoặc chẳng thể thiếu những đồ nội thất cùng phong cách. Trước khi quan tâm đến kiểu dáng, màu sắc hay số lượng, hãy đảm bảo những món đồ nội thất có chất lượng cùng độ bền tốt nhất trong khoảng giá mà bạn có thể chi trả.
Bạn nên quan tâm tới chất lượng và tính ứng dụng hơn là kiểu dáng khi lựa chọn đồ nội thất phong cách tối giản. Ảnh: Décor Aid |
Khi lựa chọn đồ nội thất tối giản, bạn không cần quá quan tâm đến xu hướng nội thất hiện hành. Những thiết kế đơn giản, đường nét tinh tế, nhẹ nhàng cùng bảng màu trung tính sẽ là sự lựa chọn tốt nhất. Những món đồ như vậy chắc chắn sẽ “trường tồn với thời gian” và chẳng bao giờ lỗi mốt.
Chất liệu
Ở những căn nhà phong cách Minimalist, bạn sẽ luôn tìm thấy đâu đó trong phòng ngủ, phòng khách, hay khu vực ghế nghỉ những sản phẩm dệt kim, thuộc da hay lông thú mềm mại. Và khi nói đến hoa văn, họa tiết, hãy lựa chọn các thiết kế in hình đồ họa kết hợp cùng lối phối màu súc tích và sử dụng không gian âm hợp lý để căn phòng luôn thoáng đãng và không bị rối mắt. Dù lựa chọn của bạn là gì, hãy chắc chắn tông màu của chúng không quá nổi, lựa chọn những màu sáng, trung tính là tốt nhất.
Như căn phòng ngủ trong ảnh minh họa bên dưới, chiếc gối kẻ cùng chăn chấm bi tông màu trung tính giúp thêm chút màu sắc cho chiếc giường trắng.
Một vài điểm nhấn họa tiết khiến không gian Minimalist thêm phần thú vị. Ảnh: Décor Aid
Đồ trang trí
Nếu quần áo thể hiện cả tính của mỗi người, vậy đồ trang trí là thứ thể hiện nét cá nhân trong thiết kế của chủ nhân căn nhà. Ai cũng có một bộ sưu tập nho nhỏ, có thể là những chiếc huy chương khen tặng, những tấm ảnh kỉ niệm sau chuyến đi xa, hay những món đồ “độc” sàn lùng từ hội chợ đồ cổ. Dù những món đồ này có thể không tuân thủ nghiêm nhặt phong cách tối giản kể trên, song điều đó không có nghĩa là bạn không thể trưng bày chúng trong nhà.
Những món đồ trang trí trong không gian tối giản chẳng khác nào tác phẩm nghệ thuật chân chính trong những phòng trưng bày đắt giá . Ảnh: Décor Aid |
Để đảm bảo sự tối giản, hãy sử dụng chiến thuật “ít mà nhiều” bằng cách chỉ trưng bày một vài món đồ và thay đổi chúng sau một khoảng thời gian nhất định, tránh những vật nặng nề. Viễn cảnh hoàn hảo nhất là một góc trưng bày gồm bình hoa cỡ lớn và những bức tranh nghệ thuật.
Cửa sổ
Người ta thường ví tấm rèm cửa sổ như hàng lông mày trên khuôn mặt cô gái. Thiếu nó, dù những đường nét có đẹp đến đâu cũng chỉ là sự sắp đặt vội vàng của kẻ khù khờ. Những tấm rèm mờ thả từ trần xuống sàn trong không gian trung tính ấm áp của phong cách Minimalist sẽ là điểm nhấn tuyệt hảo, vừa giúp cân bằng tổng quan thị giác căn phòng, vừa giúp kiểm soát ánh sáng.
Bạn có thể áp dụng ý tưởng thiết kế này cho mọi căn phòng trong ngôi nhà tối giản. Ảnh: Décor Aid
Thiết kế nội thất theo phong cách tối giản
Trên đây là những điểm cần lưu ý trong phong cách tối giản, từ màu sắc, chất liệu, đồ nội thất, đồ trang trí cho đến rèm cửa. Song, để ứng dụng thành công phong cách này trong ngôi nhà của bạn, đừng bỏ qua những lời khuyên cụ thể cho thiết kế từng căn phòng trong nhà.
Trước khi bắt đầu, nguyên tắc căn bản trong thiết kế nội thất tối giản là “chất lượng hơn số lượng”. Hãy đầu tư vào những món đồ nội thất vừa bắt mắt với những thiết kế tinh tế chẳng bao giờ lỗi thời thời, đồng thời, đảm bảo bạn có đủ không gian cho nó trong căn phòng. Nếu bạn không có đủ chỗ để những món đồ này “tỏa sáng” vậy tốt nhất là đừng lãng phí tiền mua chúng.
Nhà bếp
Một căn nhà mang phong cách tối giản sẽ không thể nào hoàn thiện nếu thiếu một căn bếp hiện đại, tiện lợi, và tinh tế. Căn bếp này có thể sẽ ngốn phần lớn ngân sách xây nhà của bạn, song, bạn sẽ chẳng bao giờ phải hối tiếc về quyết định này
Bắt đầu với những chi tiết “xương sống” trong thiết kế phòng bếp như kệ tủ, bàn bếp, và các đồ gia dụng với tiêu chí “đơn giản là trên hết”. Sau đó, bạn có thể chọn thêm những món đồ trang trí nhỏ, tạo phong cách cá nhân và sự ấm cúng cho căn phòng.
Đơn giản, gọn gàng và tiện lợi là những gì một căn bếp Minimalist hướng đến. Ảnh: Décor Aid
Một ví dụ điển hình là kết hợp không gian đen - trắng với đồ gia dụng màu sắc, mang lại sự thoáng mát và rộng rãi cho căn bếp. Bạn cũng nên lưu ý, tránh sử dụng quá nhiều hoa văn, họa tiết rườm rà bởi chúng sẽ khiến căn phòng trở nên lộn xộn và mất liên kết. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đảm bảo có đủ không gian lưu trữ đồ, tránh tình trạng những hàng bát đĩa, xoong nồi nằm la liệt trên kệ tủ.
Phòng ăn
Tối giản không có nghĩa là thiếu đi cá tính. Với những nét chấm phá vừa đủ, căn phòng mang phong cách tối giản sẽ trở nên độc đáo và mang dấu ấn của bạn hơn. Những chiếc ghế khác màu thú vị, một bức tranh nghệ thuật độc đáo mà bạn đã sưu tầm khi được đặt trên nền không gian trắng sẽ mang lại cảm giác thư giãn và thoải mái cho phòng ăn.
Bất kể thiết kế căn phòng ra sao, hãy chắc chắn rằng mọi sự sắp đặt đều có chủ đích. Ảnh: Décor Aid
Nguyên tắc thiết kế chung cho khu vực này tạo một vài điểm nhấn trên tổng thể phong cách tối giản. Hãy lựa chọn bảng màu và kiểu dáng đơn giản cho những thành phần chính như tường, sàn, bàn ăn. Tiếp đó, tạo điểm nhấn bằng những món đồ nhỏ hơn. Bằng cách này, bạn có thể tự do sáng tạo với những vật dụng trang trí mà không phá vỡ phong cách tối giản.
Phòng khách
Một phòng khách đơn giản, sang trọng lại đầy đủ tiện nghi chắc chắn sẽ không bao giờ lỗi mốt. Mặc dù yếu tố cốt lõi của phong cách tối giản là lược bớt, bạn không nên bỏ đi những vật dụng chức năng chỉ vì muốn giành chỗ cho một món đồ trang trí.
Đừng lược bỏ chiếc sofa êm ái chỉ vì muốn tối giản không gian. Ảnh: Décor Aid
Đối với phòng khách, mẹo ở đây là tạo những khoảng trống không gian, ví dụ như khu vực sau chiếc ghế sofa trong hình minh họa ở trên. Trong phong cách tối giản, vẻ đẹp thực sự nằm ở những điều chưa nói, ở những khoảng khỉ thị giác nơi người nhìn tự viết nên câu chuyện của mình.
Phòng ngủ
Phòng ngủ phong cách tối giản thường được thiết kế theo lối đối xứng với những đường nét gọn gàng, hình khối đơn giản, điểm nhấn là chiếc giường ngủ sang trọng.
Đừng ngần ngại thể hiện phong cách cá nhân với phòng ngủ. Ảnh: Décor Aid
Phòng ngủ là nơi riêng tư chỉ thuộc về bạn, vậy nên đừng ngần ngại thể hiện dấu ấn cá nhân trong thiết kế phòng ngủ. Chỉ cần đảm bảo những nguyên tắc tối giản, bạn có thể thỏa thích sáng tạo với những bức tranh hay vật dụng trang trí. Trong hình minh họa ở trên, những bức tranh trừu tượng với màu sắc vui tươi và đường nét đơn giản là điểm thu hút ánh nhìn cho căn phòng.
Phòng tắm
Với những nơi sử dụng hàng ngày như phòng tắm, đơn giản và tiện lợi là yếu tố quan trọng nhất. Ảnh: Décor Aid |
Giống với phòng bếp, phòng tắm là nơi bạn sử dụng hàng ngày với hàng tá những đồ gia dụng nhỏ nhặt khác nhau. Để tránh bừa bộn, đảm bảo rằng mỗi vật dụng đều có nơi cất chứa của riêng chúng. Khi thiết kế phòng tắm tối giản, hãy tập trung phát triển bộ ba bảng màu tối giản bằng cách thay đổi tông sắc. Bên cạnh đó, nên lựa chọn những vật dụng có thiết kế đơn giản, tránh những chi tiết trang trí cầu kì.
Trong ảnh minh họa phía trên, thiết kế căn phòng tối ưu các chức năng sử dụng thay vì đi vào những chi tiết thẩm mỹ. Tường cùng sàn ốp đá đen trắng và tủ bồn rửa tông gỗ sáng màu mang lại cảm giác sạch sẽ, thoáng mát.
Hoài Thơm