Muôn Nhà - Kênh thông tin mua bán, cho thuê Nhà đất, bất động sản

Tìm nhanh. VD: Vinhomes Central Park

Giải pháp cách âm, chống ồn hiệu quả cho ngôi nhà

Tiếng ồn khiến các thành viên trong gia đình trằn trọc khó ngủ, dễ rơi vào trạng thái bực bội, căng thẳng. Để cách âm, chống ồn cho ngôi nhà, trước hết chúng ta cần nắm rõ phương thức lan truyền tiếng ồn và các vật liệu, phương pháp hỗ trợ giúp tìm lại những giây phút yên tĩnh.

Có một thực tế là trào lưu xây dựng nhà bằng vật liệu nhẹ, thiết kế mở cùng sự phổ biến của vô số máy móc, thiết bị giải trí khiến những ngôi nhà hiện nay ngày càng trở nên ồn ào hơn bao giờ hết, ngoại trừ một số ngôi nhà được trang bị các giải pháp cách âm tiên tiến.

Tệ hơn nữa là khi chúng ta phải chung sống với những người hàng xóm ồn ào. Làm thế nào để cách âm căn nhà khỏi tiếng ồn bên ngoài hay từ những người hàng xóm "không biết điều"? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp ngay dưới đây.

Nhưng trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về tính năng động của âm thanh, từ đó tìm ra biện pháp kiểm soát nó hiệu quả.

>> Xem thêm: Chủ động giảm ô nhiễm không khí trong nhà bằng những cách làm khoa học

Âm thanh hoạt động như thế nào?

Về cơ bản, âm thanh đến từ năng lượng được tạo ra khi một vật thể rung động, tạo ra sóng âm trong không khí xung quanh chính vật thể đó. Tai chúng ta nghe thấy âm thanh là nhờ màng nhĩ cảm nhận được những rung động này và gửi thông tin đến não bộ.

hai chiếc loa phường được treo trên cột điện
Loa phường - nguồn phát âm thanh gây nhiều tranh cãi.

Các nguồn âm thanh khác nhau có bước sóng, tần số âm trầm, âm trung và âm cao khác nhau tạo nên dấu hiệu riêng biệt để nhận biết âm thanh.

Âm trầm (có bước sóng dài) và âm cao (có bước sóng ngắn) bị ảnh hưởng khác nhau bởi các vật liệu mà chúng tiếp xúc. Chẳng hạn, các bề mặt cứng hơn có xu hướng phản xạ lại tần số âm cao và âm trung, trong khi các bề mặt mềm lại có xu hướng hấp thụ chúng. Đó là lý do vì sao nhiều vật liệu cách âm phổ biến hiện nay lại kết hợp các loại xốp với nhau để đạt được mức độ giảm âm tối đa trên quang phổ của bước sóng âm thanh.

Tần số âm trầm khó kiểm soát hơn vì chúng không được hấp thụ hiệu quả bằng vật liệu mềm. Hơn nữa, các bề mặt phẳng lớn như tường, sàn có xu hướng cộng hưởng âm trầm và lan truyền các âm thanh này một cách hiệu quả.

Tính đồng nhất của bề mặt cũng quyết định đến khả năng truyền âm. Bề mặt phẳng có xu hướng phản xạ lại sóng âm thanh, đôi khi tạo nên hiệu ứng vang vọng âm kéo dài, nhất là khi các bề mặt (hay bức tường) song song và đối diện nhau. Bề mặt càng ít đồng nhất, âm thanh càng ít bị phản xạ lại. Bên cạnh đó, nếu hai bức tường không song song với nhau, âm thanh càng ít có khả năng phản xạ qua lại. Đây là lý do tại sao mút trứng gà và mút xốp gợn sóng lại trở thành lựa chọn phổ biến để cách âm trong phòng ngủ hay phòng hát karaoke.

Vậy tiếng ồn là gì?

Tiếng ồn là tập hợp những âm thanh có tần số, cường độ khác nhau, sắp xếp không theo trật tự, gây cảm giác khó chịu cho người nghe. Hiểu đơn giản hơn, tiếng ồn là những âm thanh không mong muốn, phát ra không đúng nơi, đúng lúc, gây ảnh hưởng đến quá trình làm việc, nghỉ ngơi của con người.

người đàn ông cau có, khó chịu  vì tiếng ồn khi đang nằm ngủ cạnh vợ
Tiếng ồn phát ra không đúng lúc sẽ ảnh hưởng đến quá trình nghỉ ngơi của con người.

Như vậy, tiếng ồn là một khái niệm mang tính tương đối và phụ thuộc vào từng đối tượng. Trong nhà, hầu hết mọi người coi tiếng ồn là những âm thanh khác với âm thanh họ tạo ra. Ví dụ, nếu bạn đang nghe điện thoại thì tiếng tivi trong phòng chính là tiếng ồn. Tuy nhiên, ngược lại, nếu bạn đang xem tivi thì một cuộc trò chuyện điện thoại ở phòng kế bên lại cũng được coi là tiếng ồn.

Thật không may, các bức tường và trần nhà thông thường chỉ có hiệu quả trong việc chặn tiếng ồn ở mức độ nhất định bởi chúng được xây dựng giống như những chiếc trống. Chúng có màng (thường là vách thạch cao) ở hai bề mặt bên ngoài của khung cấu trúc, bên trong được lấp đầy không khí. Sóng âm đập vào một bề mặt và truyền qua không khí hay hệ thống khung tới bề mặt khác nơi chúng phát sóng dưới dạng tiếng ồn có thể nghe thấy. Trường hợp bề mặt tường rất mỏng hoặc không có bề mặt nào như tại vị trí cửa ra vào hay cửa sổ để mở, tiếng ồn có thể tự do đi qua.

Do vậy để cách âm, chống ồn, cần cắt giảm nguồn gây ra tiếng ồn, ngăn chặn âm thanh lan truyền từ nơi này sang nơi khác. Hoặc sử dụng các bề mặt hấp thụ các rung động và cấu trúc âm thanh nhằm giảm thiểu việc truyền âm.

Các giải pháp cách âm, chống ồn hiệu quả

Cách âm tường nhà

Tương tự như cách âm trong các phòng karaoke, biện pháp cách âm tốt nhất là sử dụng vật liệu dày (trên 20cm) bằng gỗ đặc, gạch, thạch cao…  Bên cạnh đó, một giải pháp nhỏ nhưng mang lại hiệu quả tốt là làm bề mặt gồ ghề, có thể tạo hình bằng vôi vữa hoặc lót lớp nhung, gắn các vật thể lên tường…

Nếu nhà đang trong quá trình thiết kế, thi công, chủ nhà có thể lựa chọn gạch rỗng để xây tường bởi loại gạch này cách âm tốt hơn so với gạch đặc.

Tường bao ốp ván, bên trong ốp lớp xốp hoặc tấm thạch cao dày vừa có tác dụng chống ồn lại cách nhiệt hiệu quả. Đối với những bức tường ở phía có nguồn tiếng ồn, nên đặt tủ tường, tủ sách lớn, tủ chứa đồ để cản trở sự truyền âm qua không khí từ phòng này sang phòng khác. Nếu diện tích nhà đủ rộng, nên bố trí các cửa so le nhau nhằm phân tán luồng âm trước khi sóng âm lan truyền đến phòng kế cận. Bên cạnh đó, trồng cây ở phía khoảng sân gần nguồn gây ồn cũng có tác dụng làm giảm tạp âm. Lưu ý, cây bụi giảm tiếng ồn tốt hơn so với cây to.

một căn phòng được cách âm, chống ồn bằng mút xốp trứng gà
Mút xốp trứng gà là vật liệu cách âm phổ biến và hiệu quả.

Cách âm trần nhà, mái nhà

Phần lớn các ngôi nhà Việt hiện nay đều sử dụng mái tôn bởi độ bền, nhẹ, dễ thi công và giá thành rẻ. Tuy nhiên, mái tôn lại là nguồn gây ồn chủ yếu khi mùa mưa đến. Do vậy, nếu có thể nên sử dụng mái ngói với nhà ở nông thôn hoặc mái bê tông với nhà ở thành phố nhằm giảm tiếng ồn.

Với những công trình còn chưa hoàn thiện, giải pháp cách âm chống ồn là lót thêm những vật liệu có tính cách âm vào bên trong lớp trần, tạo khoảng cách trong vách tường nhằm ngăn chặn âm thanh truyền qua.

Còn với công trình đã hoàn thiện, chúng ta có thể thêm một lớp trần nằm dưới bề mặt trần bê tông có sẵn. Lớp trần này có thể là hệ thống trần thạch cao hay trần ốp gỗ bên trong lót vật liệu cách âm, phần lót bên ngoài có nhiệm cố định các lớp cách âm đó. Trần thạch cao phải kín khít, không có khe hở.

Các vật liệu phổ biến được sử dụng để xử lý cách âm trần như cao su non, bông thủy tinh, bông khoáng, túi khí cách âm, xốp màng nhôm PE-OPP…

Thiết kế hệ thống cửa cách âm

Trước hết, cần chú ý tất cả các loại cửa chính, cửa sổ, cửa ban công. Kiểm tra và xử lý các khe hở xuất hiện tại hệ thống cửa nhằm đảm bảo âm thanh không lọt qua kẽ hở, khe hở. Với khe cửa, cạnh cửa thì giải pháp tốt nhất là bơm silicon hay gắn các dải xốp, dải cao su để che kín, từ đó ngăn chặn triệt để các cửa ngõ mà âm thanh có thể vào nhà.

Với cửa chính, có thể thiết kế thêm một khoảng đệm như sảnh chờ, phòng chờ để cách âm nếu diện tích nhà cho phép.

Bên cạnh đó, không thiết kế các cửa đối diện trực tiếp với nhau để đảm bảo âm thanh không truyền từ phòng này qua phòng khác gây nên hiện tượng cộng hưởng âm thanh. Sử dụng kết hợp các loại cửa có tính cách âm, chống ồn hiệu quả như cửa kính, cửa gỗ, vách nhân tạo.

Với cửa sổ, cửa đi ra ban công tiếp xúc với đường giao thông thì có thể sử dụng 2 lớp cửa, cửa kính 2 lớp hoặc bơm khí trơ ở giữa 2 lớp kính.

Rèm cửa cách âm là giải pháp không hề tốn kém giúp hấp thụ phần nào âm thanh trong phòng và có thể ngăn cản tiếng ồn ngoài trời. Loại rèm này được rao bán khá nhiều trên mạng với giá khoảng 1.100.000 đồng/m2. Tuy nhiên, đừng đặt quá kỳ vọng vì hiệu quả mà nó mang lại không thấm tháp gì.

Cách âm sàn nhà

Sử dụng vật liệu dày, tiêu âm tốt để lát sàn, lót sàn như gỗ, nhựa đặc, thảm lót dày sẽ giúp hấp thụ bớt âm thanh. Tuy nhiên, sàn đặc không phải là giải pháp tối ưu trong mọi trường hợp. Với căn hộ chung cư, kết cấu nhà là các bộ khung liền hoặc khớp nhau, vì thế chỉ một tiếng động từ nhà bên cạnh cũng có thể truyền đến nhà bạn. Giải pháp cách âm sàn tốt nhất là để lại một khoảng không giữa mặt sàn và kết cấu khung thép của căn hộ nhằm làm gián đoạn âm thanh. Bạn cũng có thể xem xét giải pháp này khi chống ồn cho nhà phố chưa thi công.

Minh Châu (Tổng hợp)

Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2019/12/26/giai-phap-cach-am-chong-on-hieu-qua-cho-ngoi-nha

Bài viết liên quan

Tư vấn thiết kế nhà phố 3 tầng có sân thượng, diện tích 10x25m

Thiết kế nhà phố 3 tầng có sân thượng với diện tích xây dựng khá rộng cho phép gia chủ thoải mái bố trí công năng và thể hiện gu thẩm mỹ cá nhân độc đáo. Bài toán đặt ra cho các kiến trúc sư là phải đảm bảo kinh phí xây dựng không vượt quá ngân sách cho phép nhưng vẫn thể hiện kiến trúc đúng với sở thích của gia chủ.

Tư vấn thiết kế nhà phố 3 tầng có sân thượng, diện tích 10x25m
Bán Condotel Long AnBán căn hộ Hà NộiBán căn hộ Sóc TrăngBán nhà Quảng NamBán biệt thự Hải PhòngBán biệt thự Cần ThơBán biệt thự Trà VinhVăn phòng Hồ Chí MinhCho thuê căn hộ Hòa BìnhCho thuê nhà Kon TumBán shophouse Thanh OaiBán shophouse Long HồBán kho Mộc HóaBán kho Quận 12Bán kho Tuyên HóaBán biệt thự Vụ BảnPhòng trọ Tam ĐườngCho thuê shophouse Định QuánCho thuê căn hộ Sông HinhCho thuê nhà mặt phố Mường LayBán Condotel Xã Tân LậpBán nhà Phường Phạm Ngũ LãoCho thuê shophouse Xã Nam HồngCho thuê shophouse Xã Vũ DiCho thuê nhà mặt phố Xã Ân NghĩaBán chung cư Đường Phan XíchPhòng trọ Đường Nghĩa LợiCho thuê kho Đường An Cư 3Cho thuê nhà mặt phố Đường ĐT 743ACho thuê nhà mặt phố Đường 69Cho thuê chung cư KĐT Yên Bình Thái NguyênCăn hộ AZ Lâm Viên ComplexChung cư Cao ốc CincoCho thuê chung cư The Butterfly Nha TrangCho thuê nhà KĐT Hồng Hạc - Xuân LâmChung cư Bcons CityChung cư The RivanaCăn hộ TNR Star Đồng VănBán nhà Sunshine LuxuryCăn hộ Khu đô thị Thuận Thành 3