Thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, công tác cải cách hành chính năm 2014, trọng tâm là cải cách TTHC được đẩy mạnh. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng dựa trên nguyên tắc minh bạch, công khai, đơn giản hóa thủ tục, quy trình, hồ sơ và rút ngắn thời gian triển khai để không gây tốn kém, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và xã hội nhưng phải đảm bảo duy trì kỷ cương, trật tự và không cực đoan loại bỏ các TTHC cần thiết bằng mọi giá.
Đối với Giấy phép xây dựng, ông Dũng cho hay, hiện nay, đã mở rộng đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng, quy định cụ thể về các trường hợp cấp giấy phép cho nhóm công trình, cấp giấy phép theo giai đoạn thay vì cấp Giấy phép xây dựng cho từng công trình như trước đó. Quy định rõ ràng quy trình cấp Giấy phép xây dựng, quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan và thời gian cho ý kiến (10 ngày)...
Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành Quy chế thực hiện kiểm soát TTHC và tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính của Bộ Xây dựng. Đồng thời, thực hiện đơn giản hóa 79 TTHC (đạt 100% các TTHC phải thực thi); thông báo cập nhật các TTHC mới ban hành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia; công bố kịp thời, công khai các TTHC mới ban hành, TTHC bổ sung, sửa đổi và TTHC bãi bỏ. Thực hiện kiểm tra 142 văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương; kiểm tra công tác cải cách hành chính ở các đơn vị trực thuộc Bộ.
Năm vừa qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện đơn giản hóa 79 thủ tục hành chính (ảnh minh họa) |
Giảm 1/3 thời gian làm thủ tục xây dựng không dễ
Tuy nhiên, đối với ngành xây dựng, hoạt động cải cách TTHC vẫn là một thách thức lớn. Trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành hữu quan về việc thực hiện cải cách TTHC trong đầu tư xây dựng vào tháng 8/2014, Thủ tướng đã thừa nhận, chỉ riêng các quy định về TTHC trong triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình nằm trong phạm vi quản lý của ngành xây dựng, số lượng thủ tục, nhóm thủ tục là 19 đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và 15 thủ tục, nhóm thủ tục đối với đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Những dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, để công trình được khởi công, thời gian thực hiện 15 thủ tục hành chính (chưa tính tới thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ) là 280 ngày làm việc đối với dự án nhóm A và 260 ngày làm việc đối với dự án nhóm C. Còn đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, thời gian tương ứng là 447 ngày và 392.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể về cải cách TTHC trong đầu tư xây dựng, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu trong năm 2015 “cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện TTHC về đầu tư xây dựng”.
Để thực hiện chỉ đạo trên, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Trần Trọng Tuấn cho biết, năm 2015, Tp.HCM quyết tâm cắt giảm tối thiểu 40% TTHC đối với chủ đầu tư bất động sản. Nhưng có những thủ tục cần Bộ Xây dựng sửa đổi, rà soát. Đơn cử, thủ tục thẩm định dự án đầu tư, chấp nhận chủ đầu tư.
Ông Tuấn nói: “Có những vấn đề vướng mắc đã lâu, gây nhiều bức xúc như vấn đề quản lý sử dụng nhà chung cư. Tp.HCM hiện có 1.244 chung cư, trong đó có 494 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Thời gian qua xảy ra rất nhiều mâu thuẫn tại các khu nhà chung cư này vì nhiều nguyên nhân, trong đó có bất cập liên quan đến quy chế quản lý nhà chung cư theo Quyết định 08 của Bộ Xây dựng. Vì vậy, đề nghị Bộ sớm sửa đổi quy định này”.
Tiếp thu các kiến nghị, theo ông Dũng, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong năm 2015, trọng tâm là cải cách TTHC trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành, nhất là TTHC trong đầu tư xây dựng.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Tổ chức thực hiện Đề án xác định vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng tại địa phương, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị, phát triển nhà ở và quản lý thị trường bất động sản”.