Dưới đây là bài viết của GS. TS Đặng Hùng Võ về Đề cương xây dựng Luật Thuế Tài sản với nhà, đất mà Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến. Ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003.
Tôi đang sống trong một ngôi nhà 4 tầng, diện tích đất 150m2, giá khoảng 17 tỷ đồng. Tiền thuế mỗi năm tôi phải nộp khoảng 1 triệu đồng nên tôi chưa bao giờ phải lo lắng lấy tiền đâu để nộp. Nếu tôi tích trữ được 10 ngôi nhà như thế thì cũng không phải lo về chuyện nộp thuế. Tôi thấy rằng mức thuế hiện nay không đáng kể so với tiền cho thuê nhà.
Dù còn nhiều vấn đề phải bàn nhưng theo tôi, đề xuất của Bộ Tài chính là điều bắt buộc phải làm do khi tham gia thương mại tự do, nguồn thu ngân sách ngày càng hạn hẹp.
Dự án này có đánh thuế vào nhà ở và tài sản trên đất và chủ yếu đổi mới sắc thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nếu năm 2005 có một sắc thuế tương tự được ban hành thì thị trường địa ốc nước ta đã không bị khủng hoảng như giai đoạn 2011-2013. Không những thế, ngân sách nhà nước cũng không quá khó khăn, chúng ta không phải vay ODA để nâng cấp đô thị, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng cao hơn.
Ông Đặng Hùng Võ là một trong những người đặt nền móng
xây dựng Luật Đất đai năm 2003. Ảnh: PLO
Người dân và ngay cả những đại gia nhà đất đều không muốn phải tăng thêm nghĩa vụ tài chính khi sử dụng đất và nhà ở. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, mức thuế không thể để ở mức quá thấp khiến việc phát triển gặp bất lợi.
Việc đánh thuế vào nhà ở và tăng mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là giải pháp duy nhất để tăng nguồn thu hợp lý cho việc nâng cấp đô thị, phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng. Bên cạnh đó, nó còn tạo điều kiện giảm chi phí đất đai cho sản xuất hàng hóa, giảm giá bất động sản; ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ nhà đất; tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Và theo tôi thấy, việc này còn điều chỉnh phân bố dân cư khi đô thị hóa, ngăn dòng người đổ về đô thị lớn để kiếm sống.
Nhưng xét về phạm vi tính thuế tài sản, đề xuất này đã đưa ra tham vọng quá lớn. Một nguyên tắc quan trọng là sắc thuế tài sản không được kìm hãm việc đầu tư phát triển, việc đánh thuế phải có mục tiêu thật rõ ràng. Do đó, lúc này cần tập trung đổi mới bước tiếp theo với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp để trở thành thuế bất động sản.
Về tỷ suất thuế, theo tôi, việc nâng lên khoảng 13 lần như đề xuất là phù hợp. Cụ thể, tỷ suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện tại là 0,03% được nâng lên 0,4% đối với đất ở, từ 0,3% tới 0,52% với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, 2% đối với đất lấn chiếm và 1% đối với đất sử dụng không đúng mục đích hoặc không đưa vào sử dụng.
Trong trường hợp của tôi, nếu hiện tại tôi phải nộp thuế 1 triệu đồng/năm thì sắp tới sẽ phải nộp 13 triệu đồng. Theo tôi, việc tăng này là hợp lý. Bởi, nếu thu nhập không đủ nộp thì buộc tôi phải cho thuê một phần hoặc chuyển sang chỗ ở mới có mức thuế thấp hơn. Nhiều người cho rằng cứ để yên mức thuế như hiện tại, không ủng hộ nâng để mình không bị thiệt. Nếu như vậy thì ai sẽ xây dựng đất nước?
Tỷ suất thuế này là phù hợp với vùng được quy hoạch thành đô thị, khu vực đô thị và ven đô thị. Còn tại khu vực nông thôn, miền núi, theo tôi nên giữ nguyên tỷ suất thuế như hiện tại vì thu nhập ở đây còn thấp. Điều cần bổ sung là mức lũy tiến khi sử dụng đất vượt hạn mức, có thể tính như hiện nay, sử dụng đất vượt 3 lần hạn mức, tỷ suất thuế tăng 5 lần còn nếu dưới 3 lần hạn mức, tỷ suất thuế tăng 2,5 lần.
Bộ Tài chính đề xuất chỉ đánh thuế nhà ở với thuế suất 0,4% và xác định ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng. Điều này đã đi ngược với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, dẫn đền việc đầu tư về nhà ở bị kìm hãm. Cần đánh thuế theo diện tích sử dụng trên đầu người. Đây là sắc thuế đánh vào việc sử dụng dịch vụ công cộng và hạ tầng để có kinh phí đầu tư nâng cấp.
Theo dự thảo Luật Thuế Tài sản, nhà chung cư trên 700 triệu
có thể phải nộp thuế với thuế suất 0,4%. Ảnh: Bá Đô
Diện tích bình quân đầu người theo chiến lược phát triển nhà ở là 25m2. Vì vậy, thuế nhà ở nên áp với hạn mức từ 25m2 trên đầu người với từng khu vực mà thuế suất phù hợp.
Trước hết, không nên áp dụng sắc thuế này tại khu vực nông thôn, miền núi chưa được quy hoạch thành đô thị. Sau đó, tỷ suất thuế tính trên diện tích được xác định theo từ đô thị loại 2 trở xuống, theo từng khu vực đối với đô thị loại 1 và đô thị loại đặc biệt, theo khu vực nông thôn được quy hoạch thành đô thị và theo khu vực ngoại vi của từng loại đô thị. Việc đánh lũy tiến thuế này cũng tương tự như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Với những tài sản trên đất không phải nhà ở, dù đánh theo diện tích hay giá trị cũng đều kìm hãm đầu tư. Sắc thuế muốn khuyến khích hệ số sử dụng đất cao, khuyến khích sử dụng đất hiệu quả. Theo tôi, sắc thuế này chỉ nên đánh vào những dự án chậm tiến độ, dự án "treo" và dự án có hệ số sử dụng đất thấp hơn mức được duyệt.
Tại các nước trên thế giới, thuế sử dụng đất như nghĩa vụ của mỗi người phải đóng góp vào tài chính quốc gia. Sử dụng đất đai chiếm khoảng 30% nguồn thu vào ngân sách nhà nước, là nguồn thu chính của ngân sách địa phương để phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng. Sắc thuế này đánh theo giá trị đất đai, tỷ suất dao động từ 1-1,5%, có lũy tiến theo diện tích sử dụng.
Các sắc thuế sử dụng đất, thuế nhà ở, tài sản gắn liền với đất là công cụ để ngăn đầu cơ nhà đất; có đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; giúp điều tiết phân bố dân cư, hạn chế dòng người vào các đô thị lớn (khu vực đô thị có dân cư đông sẽ đánh thuế cao).
Thị trường bất động sản có nguyên lý cơ bản là "thuế cao thì giá thấp, thuế thấp thì giá cao". Khi thuế được nâng lên cao, giá đất sẽ giảm đi tương ứng, kéo theo sự sụt giảm về chi phí đầu vào đất đai khi sản xuất hàng hóa, đồng thời tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Đặc biệt, tại các nước trên thế giới, những sắc thuế trên chỉ tập trung vào những địa bàn phát triển, phù hợp với nguồn thu nhập của dân cư theo từng giai đoạn phát triển và không tạo gánh nặng cho người nghèo, người có thu nhập thấp.
Đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chưa là phương án toàn diện. Đề xuất này cần nghiên cứu gấp để trở thành phương án có tính khả thi, mang lại hiệu quả và ban hành sớm ngày nào hay ngày đó.