Tọa lạc tại góc giao lộ đường số 1 và đường số 14 của phường Bình Trị Đông B, Mocca được xem là “hiếm”, bởi xung quanh chưa có một mô hình coffee lounge nào khác.
Điều đáng chú ý không hẳn là tính sang trọng thời thượng của mô hình này, mà là tác động của diện mạo kiến trúc tới khách qua đường, ở những cảm nhận của ẩm khách khi bước vào không gian nội thất: một hình khối đơn giản, trong suốt với chất liệu kính áp vào toàn bộ công trình, “khoe” mọi hoạt động và kết cấu kiến trúc bên trong.
Thuật ngữ “double skin” không hề xa lạ với kiến trúc Tây Âu trong những năm gần đây. Nó gợi mở về một kiến trúc có hai lớp bao che với khoảng đệm giữa hai lớp là sự lưu thông của gió nhằm làm mát và tránh bức xạ nhiệt lên công trình. Ở Mocca, nó được ứng dụng cụ thể bằng một công trình được bao che bởi hai lớp kính gián cách nhau, tạo nên một khoảng đệm với chức năng tương tự.
Khoảng đệm này còn có tác dụng về mặt cảm giác, như một thủ pháp gián cách con người ở đó với những tiếng ồn ào tấp nập của dòng xe cộ lưu thông. Người thưởng lãm đi vào công trình qua một khoảng sân trong, nơi chỉ một chút xanh leo trên tường cũng gửi gắm được ý nghĩa tượng trưng về một thiên nhiên thứ hai, vắng hẳn tiếng ồn.
Việc sử dụng kính nhiều cả ở ngoại và nội thất đã tỏ ra hiệu quả: khả năng lớp chồng lớp, hình ảnh chồng hình ảnh làm cho công trình có hiệu ứng về thị giác rất mạnh. Kiến trúc nội thất nhìn rất đơn giản nhưng vẫn giàu yếu tố không gian: có những không gian chỉ cao 2,6m, nhưng cũng có những không gian vượt hẳn 5 mét, trong sự đan cài có cấu trúc.
Nhờ những lớp kính trong suốt, việc bố trí ánh sáng đơn sắc tập trung vào những mảng kết cấu cột, đà… ở khu vực sân trong, tạo nên điểm nhấn cho toàn bộ công trình. Khi đêm xuống, ánh sáng khiến cho những chiếc cột nổi bật hẳn lên.
Những ai ưa thích đi cà phê để khám phá một không gian mới thì có lẽ Mocca Coffee Lounge là một điểm đến thú vị, không nên bỏ qua.
Theo DNSGCT