Cũng như những sản phẩm nội thất cỡ lớn khác trong nhà, sofa vải đôi chỉ được vệ sinh 1 lần vào dịp cuối năm. Thế nhưng, việc vệ sinh sofa lại rất quan trọng. Không chỉ nhằm loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi và vi trùng tự sinh ra trong lớp đệm sofa và còn vì mục đích gia tăng tuổi thọ, độ bền đẹp cho món nội thất thông dụng này. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách vệ sinh sofa tại nhà mà ai cũng có thể tự mình thực hiện.
Chuẩn bị:
|
Cách vệ sinh ghế sofa vải
Vệ sinh sofa vải không phải là công việc quá “đao to búa lớn” nếu bạn nắm rõ tuần tự các công việc phải làm.
Bước 1 . Đọc ký hiệu vệ sinh
Luôn tuân thủ hướng dẫn vệ sinh trên tem mác sản phẩm để đảm bảo độ bền của sofa. Trước khi bắt tay vào vệ sinh sofa, bạn cần đọc ký hiệu vệ sinh trên tem mác sản phẩm sofa để lựa chọn cách làm sạch ghế sofa vải phù hợp. Các ký hiệu trên tem mác thường như sau:
Ký hiệu | Ý nghĩa |
W | Có thể làm sạch bằng nước. |
S | Cần làm sạch bằng dung môi giặt khô hoặc dung dịch làm sạch không chứa nước để giữ sofa không bị phai màu, không bị co rút bề mặt. |
WS/SW | Có thể dùng nước hoặc dung môi giặt khô để vệ sinh ghế sofa vải. |
X | Cần vệ sinh bởi các nhân viên có kinh nghiệm, sử dụng dung môi đặc biệt để loại bỏ vết bẩn. |
Nhiều dòng sofa không có các mã như trên thì bạn có thể hỏi trực tiếp đơn vị sản xuất.
Bước 2. Hút bụi và xơ vải
Tùy thuộc vào chất liệu vải, bạn cần loại bỏ bụi bẩn, vụn xơ vải bằng cách sử dụng đầu hút có bàn chải đi kèm với máy. Với tóc hay lông thú, hãy sử dụng cây lăn bụi. Nếu thấy những sợi vải xù xì trên bề mặt vỏ bọc sofa thì cây lăn xơ sẽ giúp bạn lấy lại hiện trạng sạch sẽ, mới mẻ cho sofa.
Bước 3. Tháo và giặt tấm bọc sofa
Bất kỳ phần áo đệm, tấm bọc sofa nào đều nên được tháo ra và làm sạch nếu có thể. Sau đó, hãy phơi khô tấm bọc sofa để ngăn ngừa tình trạng co rút hay biến dạng.
Bước 4. Xử lý các vết bẩn cứng đầu
Hãy chắc rằng bạn đã thử nghiệm trên diện tích nhỏ, nếu không có vấn đề mới áp dụng trên khu vực vết bẩn lớn hơn, nhất là khi sử dụng các dung dịch tẩy rửa mới hay dung dịch tự chế. Một giải pháp nhẹ nhàng, tương đối an toàn là pha 2 thìa cà phê xà phòng thực vật dạng lỏng với ¼ cốc nước ấm để xử lý các vết bẩn cứng đầu.
Bước 5. Sử dụng chất tẩy rửa
Với hầu hết sofa vải, chỉ cần 120-240ml cồn tẩy rửa là đủ, nhưng nhớ kiểm tra ký hiệu in trên nhãn mác sofa và thử nghiệm trên diện tích nhỏ trước. Xịt dung dịch cồn lên từng phần nhỏ và chải nhẹ nhàng. Lặp lại thao tác này trên toàn bộ sofa, chú ý phần tay vịn, bên trong tay vịn và tựa lưng. Khi sofa đã khô hoàn toàn, dùng bàn chải chà theo vòng tròn để loại bỏ các sợi lông còn sót lại.
Bước 6. Sắp xếp lại sofa
Sau khi quá trình làm sạch sofa kết thúc và vỏ sofa đã khô hoàn toàn, đã đến lúc lồng vỏ sofa vào, sắp xếp lại mọi thứ cho chỉn chu.
Chú ý: Nếu nhà bạn có máy làm sạch hơi nước thì bỏ qua bước 6 và bắt đầu làm sạch sofa bằng hơi nước theo hướng dẫn dưới đây.
Làm sạch sofa bằng hơi nước
Bước 1. Chuẩn bị máy hơi nước
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng máy để biết cách vận hành, đổ nước cùng dung dịch vệ sinh thích hợp vào bộ phận chứa nước theo thang đo ghi trên thân máy.
Bước 2. Cắm nguồn điện và khởi động máy
Tùy thuộc vào loại máy mà có thể bạn sẽ phải chờ trong vài phút để nước sôi và tạo ra hơi nước. Khi thấy hơi nước xuất hiện, bạn có thể bắt đầu công việc vệ sinh.
Bước 3. Vệ sinh phần đệm ngồi trước
Sử dụng máy xông hơi làm sạch phần đệm mút bằng cách phun hơi nước và chất tẩy rửa lên một khu vực nhỏ và di vòi hút trên một khu vực nhỏ để hơi nước nóng tỏa ra diệt sạch vi trùng, vi khuẩn, đánh bay vết bẩn cứng đầu và hút hết bụi bẩn, ẩm ướt.
Vệ sinh ghế sofa vải bằng hơi nước.
Bước 4. Làm sạch phần còn lại của sofa
Lặp lại quá trình trên cho đến khi toàn bộ sofa đều được làm sạch. Hãy đảm bảo rằng mọi chi tiết dù là nhỏ nhất của sofa đều được làm sạch bằng hơi nước. Thực hiện từng phần nhỏ một để không khu vực nào bị ướt quá lâu.
Bước 5. Chờ cho sofa khô
Bạn có thể rút ngắn thời gian chờ sofa khô bằng cách mở cửa sổ hay bật quạt.
Xử lý các vết bẩn cứng đầu bám trên sofa
Khi có thức ăn, đồ uống bị đổ ra ghế sofa, bạn cần xử lý các vết bẩn càng sớm càng tốt vì nếu để lâu, vết bẩn sẽ khô lại và rất khó tẩy rửa. Trước tiên, cần loại bỏ chất lỏng và thức ăn bị rây trên bề mặt sofa, cẩn thận vun và thu gọn vết bẩn vào trong, tránh để vết bẩn lan rộng ra. Sau đó, dùng khăn hoặc giấy khô thấm hết phần dung dịch còn sót lại nếu có thể. Nếu sofa bị ướt, bạn nên thấm khô bằng nước lạnh và thêm một chút xà phòng thực vật dạng lỏng nếu cần. Dưới đây là cách làm sạch một số vết bẩn thông dụng:
Nước tiểu: Để làm sạch nước tiểu trên sofa, nhẹ nhàng chấm (không ấn quá mạnh để tránh làm vết bẩn lan rộng) dung dịch tự chế gồm 1 - 2 cốc nước, 1 thìa cà phê giấm và 1 thìa xà phòng rửa bát lên vết bẩn. Lau sạch và lặp lại nếu cần cho đến khi vết bẩn được loại bỏ hoàn toàn. Để xử lý mùi khó chịu, hãy xịt dung dịch gồm 1 cốc nước, ½ cốc xà phòng rửa bát, ¾ cốc oxy già và khoảng 20 giọt tinh dầu yêu thích lên khu vực có mùi. Kết thúc quá trình bằng cách dùng khăn sạch chấm nhẹ lên vết bẩn cho đến khi khô hoàn toàn.
Vết máu và dầu mỡ: Xử lý vết máu và vết dầu mỡ bằng cách dùng bọt biển hay khăn vải nhúng dung dịch nước + vài giọt xà phòng và chấm nhẹ lên vết bẩn. Bạn có thể thử loại bỏ vết bẩn bằng giấm trắng để phá vỡ cấu trúc protein và sử dụng chất tẩy dầu mỡ như xà phòng rửa bát để loại bỏ vết dầu mỡ trừ khi trên nhãn hướng dẫn của nhà sản xuất khuyến nghị không làm điều này. Nếu cách làm trên không phát huy hiệu quả hay máu và dầu mỡ đã thấm sâu vào vải sofa, hãy thử dùng tăm bông nhúng oxy già chấm lên vùng vải bị bẩn.
Thức ăn, rượu và cà phê: Làm sạch vết thức ăn và rượu trên sofa tương tự như làm sạch vết máu hoặc dầu mỡ. Lau sạch thức ăn hoặc phần nước sốt còn sót lại bằng một miếng vải khô, sau đó thấm dung dịch nước lạnh + vài giọt xà phòng lên vết bẩn. Nếu có thể, hãy sử dụng chất tẩy vết bẩn có tính axit để loại bỏ vết bẩn cứng đầu từ cà phê, rượu vang và thức ăn hoặc phương pháp cuối cùng là sử dụng tăm bông và nước oxy già.
Lông thú: Sử dụng dụng cụ hút lông thú chuyên dụng hoặc đơn giản chỉ cần cây lăn xơ vải, băng dính cũng sẽ giúp loại bỏ lông thú.
Bao lâu nên vệ sinh sofa 1 lần?
Theo các chuyên gia nội thất, tần suất vệ sinh sofa còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí đặt, chất liệu, cường độ sử dụng ghế. Tuy vậy, trung bình bạn nên tự vệ sinh sofa tại nhà khoảng 1 lần mỗi tháng. Nếu ít khi sử dụng sofa thì có thể kéo dài thời gian giữa các lần vệ sinh lên 2-3 tháng. Bên cạnh đó, mỗi năm nên sử dụng dịch vụ vệ sinh sofa chuyên nghiệp khoảng 1-2 lần.
Khánh An
>> 5 kinh nghiệm vàng khi chọn mua sofa mới