Từ xưa đến nay, những người lãnh đạo quốc gia đều hiểu rõ điều này: “Giữ nước khó hơn dựng nước”. Đối với một cá nhân chúng ta cũng tương tự: giữ được sự nghiệp lâu bền khó hơn là tạo dựng sự nghiệp.
Bởi vậy, nếu mặt tiền của căn nhà mang đến cho chúng ta những vận hội tốt đẹp, thì chúng ta cũng nên lưu ý đến mặt sau của căn nhà, vì mặt sau của căn nhà sẽ giúp chúng ta giữ gìn những sự tốt đẹp đó được lâu bền.
Núi hay đồi phía sau lưng nhà gọi là Huyền Vũ, tượng trưng là con rùa. Theo quan niệm của phong thủy, con rùa biểu tượng cho sự trường thọ và sự bảo bọc, che chở. Huyền Vũ còn là biểu tượng của quý nhân, của những người giúp đở mình cả về phươbg diện vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống hằng ngày, hoặc phù trợ cho mình lập nên công danh sự nghiệp như điển tích rùa thần dâng gươm ở hồ Hoàn Kiếm.
Trong cuộc sống đô thị hiện nay, những cao ốc đã thay thế cho đồi núi, và những con đường đã thay thế cho những dòng sông, nhưng mà nguyên tắc “sau lưng là đồi núi, trước mặt là sông biển” của khoa Phong Thủy vẫn còn giá trị như ngày trước.
Ý niệm “Ỷ sơn, hướng hải” cũng đơn giản như cảm giác của người ngồi trên một cái ghế. Nếu cái ghế có lưng dựa thì thế ngồi sẽ vững chắc, thoải mái và ngồi được lâu dài hơn. Cái lưng dựa đó chính là Huyền Vũ, biểu tượng của quý nhân, của sự bảo bọc, che chở phía sau lưng. Và nếu cái ghế có thêm tay dựa nữa, thì người ngồi trên ghế sẽ cảm thấy an toàn, thoải mái hơn.
Hai tay dựa của cái ghế tương ứng với Thanh Long, bên trái và Bạch Hổ, bên phải của một căn nhà, một kinh thành hay một thành phố…
Nói như vậy, chúng ta thấy rằng, một kiến trúc dù theo đúng với những nguyên tắc của Phong Thủy, nhưng không ở tại một vị trí mà sau lưng được bảo bọc, trước mặt có nước để lưu tụ sinh khí và hai bên phải, trái cũng được che chở, thì tuy có tốt, nhưng cái tốt không được tồn tại lâu dài.
Đối với nhà ở cũng vậy, mặt sau của căn nhà giữ một vai trò không kém phần quan trọng, cho nên chúng ta phải lưu ý đến những điểm sau đây: Nếu đằng sau căn nhà của chúng ta không có nhà của hàng xóm hoặc một cao ốc, thì căn nhà đã thiếu Huyền Vũ.
Chúng ta có thể tạo nên Huyền Vũ bằng những cách như:
- Xây tường hoặc trồng một hàng cây cao ở mặt sau căn nhà.
- Có thể đắp một mô đất như hình cái mai con rùa hoặc nuôi một con rùa, hoặc đặt một con rùa bằng đá, bằng sành sau vườn để làm biểu tượng cho Huyền Vũ, và chỉ cần một con là đủ rồi.
- Trong những khu chung cư như condominium hay apartment ở tầng thứ hai, thứ ba… thì chung quanh không có đất, chúng ta có thể treo một bức tranh hình con rùa trên vách tường mặt sau của căn nhà hay đặt một con rùa bằng đá, bằng sành, bằng thủy tinh hay bằng kim loại tại phần sau căn nhà để tượng trưng cho Huyền Vũ.
Đối với khoa Phong Thủy, phần đất phía sau căn nhà, thông thường còn gọi là sân sau hay vườn sau là tượng trưng cho hậu vận của gia chủ, vì thế, chúngta nên lưu ý những nguyên tắc sau đây:
- Vườn sau cần có chiều sâu hơn là chiều rộng. Nhà mà phần đất phía sau ngắn hoặc không có đất thì hậu vận của gia chủ thường không được tốt đẹp.
- Thế đất của vườn sau lúc nào cũng phải cao hơn đất đằng trước nhà, hoặc bằng nhau, chứ không nên thấp hơn đằng trước.
- Tối kỵ là đất ở vườn sau bị trũng xuống, hoặc đằng sau nhà là một đường cống lớn, một cái hố sâu hay một vực thẳm, như trường hợp một số nhà trên đồi, quay lưng ra sườn đồi.
Những trường hợp như vậy, thường đoạn cuối cuộc đời của gia chủ hay gặp những hoàn cảnh khó khăn, bi đát.
Những thế đất như vừa nêu trên, dù phía sau có trồng cây hay xây tường cũng khó lòng cứu vãn, vì sinh khí, vượng khí không những hiện hữu và di chuyển trên mặt đất, mà còn hiện hữu và di chuyển trong lòng đất, gọi là địa khí, địa khí di chuyển đến đây thì bị đường cống, hố sâu hay vực thẳm cắt đứt. Một thế đất như vậy gọi là đất đoản hậu.
Khoa Phong Thủy rất sát với thực tế của cuộc đời, bởi vậy, có thể nói: Quý nhân lúc nào cũng đứng đằng sau chúng ta. Có bước đến nâng đỡ chúng ta hay không là tùy ở mỗi người.
(Theo Archi)