Tại Khai Bình, phong trào xây dựng các điêu lâu như thế này phát triển mạnh mẽ từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Đây cũng là thời điểm nhiều người Trung Quốc di cư sang Hoa Kỳ, Úc hay các nước Nam Á quay về cố hương.
Vật liệu chính để xây dựng những tòa tháp này là bê tông cốt thép với những chi tiết kiến trúc và trang trí mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Quốc pha trộn phương Tây.
Sau khi các điêu lâu này được hoàn tất, chủ nhà và gia đình của mình sẽ sinh sống ở các tầng trên cao, còn người giúp việc sẽ ở bên dưới. Trên sân thượng của các tòa nhà đều đặt đài quan sát. Với những tòa tháp quy mô lớn, sân thượng còn được chủ nhà biến thành pháo đài phòng thủ vô cùng vững chắc.
Bên cạnh chức năng phòng thủ, những điêu lâu ở Khai Bình giúp các chủ nhà khoe khoang thanh thế, sự giàu sang và quyền uy của mình. Nếu nhìn qua, sẽ thấy các điêu lâu này khá lộn xộn với đủ loại kiểu dáng, độ cao khác nhau. Tuy nhiên, thực tế chúng đều điểm chung là bố trí bếp nấu ở tất cả các tầng lầu. Nguyên nhân là vì vùng Khai Bình vốn hay xảy ra ngập lụt, do đó việc bố trí bếp nấu như vậy là để phòng khi nước dâng lên cao cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Một điểm chung nữa là tất cả các điêu lâu đều được trang trí rất nhiều cửa sổ nhỏ. Đây chính là nơi để quan sát tình hình, kịp thời phát hiện thổ phỉ xâm nhập vào lãnh địa. Ngoài ra, chúng cũng giúp lưu thông không khí trong tòa tháp.
Hiện tại Khai Bình vẫn còn tồn tại khoảng 1.800 điêu lâu. Năm 2007, tổ hợp công trình kiến trúc độc đáo này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Người dân xây chỗ ở của mình thành nhiều tầng cao để tránh nạn trộm cướp
Kiểu kiến trúc này phát triển mạnh mẽ từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX
Các tòa tháp đều được xây dựng bằng bê tông cốt thép rất vững chắc