Nhà Gươl không chỉ mang đặc trưng kiến trúc dân tộc mà còn là nơi hội tụ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Cơ tu.
Đó là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng, nơi các già làng (Tacooh pươl) quyết định những vấn đề quan trọng của cộng đồng và đặc biệt là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng, hoặc ăn mừng được mùa rẫy...
Những trai tráng chưa vợ, những người già mỗi đêm thường đến ngủ trong nhà làng, vì người Cơ tu coi đây là nơi linh thiêng, luôn có sự hiện diện các các thần linh và tổ tiên, ông bà họ...
Nhà Gươl ở làng Gừng - Ảnh: Trương Điện Thắng |
Đối với mỗi làng Cơ tu, việc xây dựng một ngôi nhà Gươl là việc hệ trọng. Trước khi chọn đất dựng làng, người ta đã nghĩ đến vị trí nhà Gươl đầu tiên. Đó là vị trí cao ráo ở chính giữa làng.
Trai làng được giao nhiệm vụ vào rừng chọn gỗ, lấy lá, còn những người có nghề chạm khắc đảm trách khâu tỉa tót, chạm trổ từ cột cái đến các hoa văn trang trí chung quanh, trên nóc nhà. Quy mô và nét nghệ thuật của mỗi ngôi nhà Gươl biểu thị sự lớn mạnh, giàu có của mỗi làng.
Trong nhà Gươl, bao giờ cũng trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, nhiều xương đầu thú mà dân làng đã săn bắt hoặc đã giết thịt trong các lễ hội...
Tôi từng có dịp đến thăm nhiều nhà Gươl ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang ở tỉnh Quảng Nam và nhận ra, góp phần tạo ra và gìn giữ “cái hồn” của những ngôi nhà làng này là vai trò của những già làng có nhiều công trạng.
Làng Gừng ở Đông Giang có già làng Ating Veh, làng Bơ- Hôn có già Priu Prăm là những điển hình. Ating Veh năm nay đã ngoài 80, nhưng vẫn còn khỏe mạnh nhờ rèn luyện từ những ngày tham gia bộ đội. Ông bỏ ra nhiều năm đi khắp các làng, có khi băng rừng đi cả trăm cây số để sưu tầm các điệu hát lý, các bài ca, chuyện cổ và sưu tập hàng trăm nhạc cụ cổ để về huấn luyện lại cho các bạn trẻ.
Già làng Priu Prăm ở Bơ- Hôn từng giữ chức vụ lãnh đạo huyện, từng là đại biểu Quốc hội, nhưng đến tuổi hưu lại về làng chăm lo xây dựng nhà Gươl, tập trung trai tráng lại, vừa tập múa hát, sử dụng nhạc cụ dân tộc; vừa hướng dẫn cách sản xuất làm ăn như dệt thổ cẩm, mở lò rèn nông cụ và liên lạc với các công ty lữ hành để xây dựng điểm du lịch văn hóa...
Già làng Priu Prăm - Ảnh: Trương Điện Thắng |
Vào thăm ngôi nhà Gươl của hai làng Gừng và Bơ-Hôn là dịp để chiêm nghiệm các nét kiến trúc, chạm khắc tinh tế trên những cột Xờ-nur, trên các cột vách và xem trưng bày các sưu tập nhạc cụ dân tộc, lại luôn có sẵn những người có thể biểu diễn các điệu múa hát như Dza-dzá, các điệu vũ nhạc như Đing-tuk khi được yêu cầu. Nhờ vậy, các đoàn du khách đi dọc đường Trường Sơn thường chọn những nhà Gươl này để dừng chân và tìm hiểu các đặc điểm văn hóa bản địa.
Trong khi một số nơi, vẫn có các “nhà văn hóa truyền thống” của người dân tộc nhưng lại được ngân sách hỗ trợ đúc bằng bê tông, cốt thép và lợp tôn luôn vắng vẻ, phản cảm về mặt kiến trúc thì những ngôi nhà Gươl mà tôi có dịp đến thăm bao giờ cũng tỏa ra những âm hưởng thân gần, đầy cảm xúc của những sắc thái văn hóa giàu có và sâu lắng.