Ám ảnh mất tiền vì đại gia huy động vốn trái phép
Nhiều đại gia BĐS lừng danh 1 thời đã lần lượt vào tù trong 2 năm qua do huy động vốn trái phép. Có kể ra một vài tên tuổi như ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Tập đoàn Vina Megastar, vừa mới bị bắt cách đây một năm do vỡ nợ sau khi huy động hàng trăm tỷ tiền mua nhà.
Còn vào tháng 9/2012, Tổng GĐ Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà, ông Trần Ứng Thanh, đã bị bắt vì nghi vấn lừa đảo hàng trăm khách hàng chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng với danh nghĩa bán căn hộ tại dự án giãn dân phố cổ.
Hiện nay chưa có chế tài nào đủ mạnh để kiểm soát dòng tiền người mua
nhà nộp cho chủ đầu tư
Nhiều đại gia BĐS, khi biết tin sẽ bị bắt còn bỏ trốn, như Việt kiều Edward Chi, Tổng GĐ công ty CPĐT Minh Việt là chủ đầu tư dự án Tricon Tower (Bắc An Khánh, Hà Nội) đã "cuỗm" hàng trăm tỷ đồng do người mua nhà đã nộp trước đó và... "bốc hơi".
Người vào tù, kẻ bỏ trốn, những đại gia này từng huy động một số tiền rất lớn của người mua nhà. Sau đó, họ đã sử dụng số tiền đó sai mục đích, tiếp tục đầu tư dự án khác với mong chờ siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, khi thị trường đi xuống, dự án không thể triển khai, tất cả số tiền này đã không sinh lời như kỳ vọng, "chôn" dưới những bãi đất hoang, đầy cỏ dại.
Phó GĐ Công ty Địa ốc Đất Lành đã từng xót xa phát biểu: "Một thế hệ doanh nhân tài ba nhưng đầu tư sai lầm, họ từng tạo dựng được tài sản, góp phần vận hành đất nước trong một thời gian dài nhưng chỉ vì một bước đi sai lầm mà bỗng chốc sụp đổ, lâm vào vòng lao lý”.
Làm sao để kiểm soát dòng tiền trong tay chủ đầu tư?
Chính vì những đổ vỡ hàng loạt các tên tuổi BĐS trong thời gian qua nên giới chuyên gia, doanh nghiệp BĐS đặt ra quan trọng nhất là niềm tin người mua nhà.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia BĐS cho rằng, thị trường phục hồi nhanh hay chậm là do niềm tin ở người mua nhà được vun đắp trở lại nhanh hay chậm. Một câu hỏi mấu chốt được đặt ra là: Nàm sao quản lý chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích khi nộp tiền mua nhà?
Vì thế nên một trong những kiến nghị quan trọng của Hiệp hội BĐS Tp.HCM gửi lên các cấp cao nhất là Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) là chế tài kiểm soát dòng tiền ứng trước thu của người mua nhà của chủ đầu tư.
Cụ thể, theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM thì luật Kinh doanh bất động sản chưa có cơ chế chế tài đủ mạnh để bắt buộc chủ đầu tư chỉ được sử dụng vốn huy động trước của khách hàng đúng mục đích để hoàn thành bất động sản bàn giao cho khách hàng theo hợp đồng.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho hay, người mua nhà không thể biết chủ đầu tư làm gì với số tiền đó mặc dù hiện nay pháp luật quy định khi xây xong móng chủ đầu tư được bán nhà trả góp theo tiến độ ghi trong hợp đồng.
Ông Châu cũng cho biết thêm: “Việc chủ đầu tư xây dựng dự án đó, nhưng có thể họ cầm tiền để triển khai dự án khác hoặc đầu tư cái gì khác thì người mua nhà khó có thể biết được. Vì thế, tôi kiến nghị số tiền người mua nhà đóng theo tiến độ sẽ mở một tài khoản đóng trong ngân hàng và ngân hàng. Khi tiến độ xây dựng đến đâu thì ngân hàng giải ngân đến đó”.
Với cách làm này ngân hàng sẽ là đóng vai trò là bên thứ 3 tham gia vào dự án để giám sát, quản lý dòng tiền của người mua nhà.